Multimedia Đọc Báo in

Mới lạ, hấp dẫn với "Bóng chuyền bãi biển trên cao nguyên"

10:15, 13/03/2015
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015, từ ngày 6 đến 10-3, người hâm mộ thể thao Dak Lak có dịp thưởng thức những trận đấu tại Tuor I Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2015 – Cúp Bia Saigon. Lần đầu được tổ chức trên vùng núi, giải đã mang lại những trải nghiệm khá thú vị để người dân nơi không có biển hiểu hơn về thể lệ, cách thức thi đấu… của môn bóng chuyền bãi biển.
 
Bóng chuyền bãi biển là một môn thể thao đang được rất nhiều các quốc gia ưa chuộng, đặc biệt là đối với các nước có hoạt động du lịch phát triển. Chính vì vậy nó thường nhận được sự quan tâm để mở rộng, tạo thêm sân chơi cho du khách. Thế nhưng, với “Bóng chuyền bãi biển trên cao nguyên”, mới nghe thôi đã thấy cái mới lạ trong đó. Quả thật, với người hâm mộ thể thao trên mảnh đất cao nguyên này, được tận mắt chứng kiến những màn so tài nóng bỏng của bóng chuyền bãi biển là dịp hiếm hoi. Anh Lê Anh Dũng (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, xem bóng chuyền bãi biển trên truyền hình thì đã xem nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên anh được trực tiếp xem như thế này. Do mới là lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, nên ban tổ chức phải thường xuyên cập nhật những thông tin về thể lệ, cách thức thi đấu của môn thể thao mới mẻ này. Với bóng chuyền bãi biển, điều thú vị là mỗi đội bóng chỉ có 2 vận động viên, không có cầu thủ dự bị nên tính cạnh tranh rất lớn. 
Một pha bóng trong trận đấu giữa Sanna Khánh Hòa gặp Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh)
Một pha bóng trong trận đấu giữa Sanna Khánh Hòa gặp Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh).

Khác với bóng chuyền thông thường, người chơi bóng chuyền bãi biển có thể chạm bóng bằng bất cứ phần nào của thân thể, mục đích của cuộc chơi là đưa bóng qua trên lưới sang sân đối phương và ngăn không cho bóng chạm sân mình. Thể thức thi đấu bóng chuyền bãi biển chỉ có 1 loại là 3 hiệp thắng hai và tính điểm theo hệ thống được điểm trực tiếp. Hai hiệp đầu, đấu đến điểm 21, đội thắng hiệp phải hơn đội kia ít nhất 2 điểm, không có điểm giới hạn của hiệp. Tỷ số của hiệp thắng có thể là 21-19, 22-20, 23-21... Đội nào thắng hai hiệp trước thì thắng trận đó. Hiệp quyết thắng: Khi hai đội hòa 1-1 phải đấu tiếp hiệp thứ 3 (tức hiệp quyết thắng). Đội thắng hiệp này phải giành được 15 điểm trước, với điều kiện hơn đội thua ít nhất hai điểm. Không có điểm giới hạn. Khi hòa 13-13 phải đấu tới khi đạt 15-13, 16-14, 17-15... Cùng với đó, việc thi đấu trên sân cát, dưới cái nắng chói chang đòi hỏi các cầu thủ phải có sức bền cực tốt.

Trước khi giải đấu diễn ra, nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng thành công của giải đấu bởi theo nhiều người, đã là bóng chuyền bãi biển thì phải được tổ chức ở một khu du lịch có một bãi biển đẹp chứ không thể ở vùng đất cao nguyên được. Hay như chuyện cát thi đấu của môn chơi này sẽ được lấy từ cát ở các bờ sông của các khu vực lân cận, thay vì cát biển phải trải qua sàng lọc theo đúng quy chuẩn quốc tế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của giải… Những nghi ngại ấy không phải là không có lý do. Theo trọng tài châu Á môn bóng chuyền bãi biển Nguyễn Thái Bình, thông thường, bóng chuyền bãi biển tất nhiên phải được tổ chức ở các bãi biển bởi yếu tố ngoại cảnh (có gió biển, tiếng sóng…) là yếu tố quan trọng nhất đối với môn thể thao này. Thế nhưng, trước sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ phố núi, vượt qua tất cả, các vận động viên đã cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt, những trận đấu hấp dẫn. Chính từ tinh thần thi đấu, trang phục của các vận động viên, sự nỗ lực của các nhà tổ chức… đã giúp người dân Dak Lak và du khách gần xa như được hưởng hương vị biển trên vùng đất cao nguyên đầy nắng, gió.

 Quốc Anh

 


Ý kiến bạn đọc