Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc phong trào quần vợt

19:15, 25/07/2015

Từ một môn thể thao còn khá mới mẻ đối với người dân nhưng đến nay phong trào tập luyện và thi đấu môn quần vợt trên địa bàn tỉnh đang ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển nhanh cả về cơ sở vật chất lẫn số lượng người tham gia.

Vào những năm đầu thập niên 90, môn quần vợt vẫn còn xa lạ với người dân Đắk Lắk bởi nhiều người quan niệm đây chỉ là môn thể thao dành riêng cho giới nhà giàu, “môn quý tộc, thượng lưu”. Muốn luyện tập với môn thể thao này buộc người chơi phải trang bị những dụng cụ với kinh phí tương đối cao từ đôi giày cho tới cây vợt và những thiết bị phụ trợ khác, đó là chưa kể số tiền phải bỏ ra để “tầm sư học đạo”. Khi đã bắt đầu biết chơi, thích chơi, hằng tháng phải tốn một khoản tiền không nhỏ cho việc thuê sân bãi luyện tập, bồi dưỡng người nhặt bóng... Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cho thuê sân bãi thi đấu, chi phí đầu tư một sân quần vợt cũng tốn từ vài trăm triệu đồng trở lên, nếu không bảo quản, sử dụng tốt sân sẽ xuống cấp khá nhanh. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi vào thời điểm ấy toàn tỉnh chỉ có 2 sân tập với số lượng người luyện tập chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đến năm 1996, Liên đoàn Quần vợt tỉnh được thành lập với mục đích chính là thúc đẩy phong trào luyện tập và thi đấu bộ môn này sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ ngày thành lập đến nay, phong trào tập luyện môn quần vợt ở Đắk Lắk đã có bước phát triển khá nhanh và có sức lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đã xây dựng hệ thống sân bãi, trong đó nhiều sân đạt chuẩn quốc gia, hằng ngày thu hút khá đông cây vợt phong trào tập luyện và thi đấu. Toàn tỉnh hiện có 20 Câu lạc bộ và 1 Hội Quần vợt thị xã Buôn Hồ trực thuộc Liên đoàn Quần vợt tỉnh, với 66 sân quần vợt (chủ yếu là sân của các đơn vị, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư xây dựng), trên 1.500 người thường xuyên tham gia luyện tập, thi đấu (trong đó có trên 150 nữ). Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “So với các môn thể thao khác thì môn quần vợt ít xảy ra chấn thương khi luyện tập, thi đấu và sức khỏe của người tập được cải thiện đáng kể. Thấy được lợi ích từ việc tập luyện môn này nên ngày càng có nhiều người tham gia. Thành phần tham gia tập luyện rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân cho đến học sinh, sinh viên, người lao động... Những người nào đã biết chơi thì hướng dẫn cách chơi cho người mới, cứ thế mà phong trào lan tỏa dần. Trong quá trình tham gia tập luyện, người đam mê môn quần vợt có nhiều điều kiện để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thi đấu cùng nhau”.

Các vận động viên thi đấu tại Giải vô địch Quần vợt tỉnh lần thứ I năm 2015.
Các vận động viên thi đấu tại Giải vô địch Quần vợt tỉnh lần thứ I năm 2015.

Theo đánh giá của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, để quần vợt phong trào phát triển mạnh và có được những kết quả đáng khích lệ như hiện nay phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong việc tạo sân chơi, thu hút những người có chung niềm đam mê với trái banh nỉ. Thông qua hình thức xã hội hóa, hằng năm Liên đoàn Quần vợt tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các đơn vị tài trợ đã phối hợp tổ chức được nhiều giải đấu từ cấp câu lạc bộ đến cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho vận động viên được thi đấu cọ xát, giao lưu, học hỏi lẫn nhau; đồng thời, thông qua đó các câu lạc bộ, địa phương đánh giá công tác đào tạo, huấn luyện của đơn vị mình. Có thể dễ dàng nhận thấy, tại các giải đấu phong trào luôn thu hút đông đảo lực lượng vận động viên ở các địa phương, câu lạc bộ quần vợt trong tỉnh tham gia tranh tài. Mặc dù chất lượng chuyên môn trong thi đấu chưa cao, nhưng bước đầu đã tạo sân chơi cho những tay vợt không chuyên có dịp cọ xát, nâng cao kỹ năng thi đấu. Trong những năm gần đây, ngành Văn hóa, Thể dục và Du lịch không chỉ quan tâm phát triển phong trào rộng khắp mà còn đưa quần vợt trở thành một trong những môn thể thao thành tích cao cần được chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, hằng năm Liên đoàn Quần vợt tỉnh đều tuyển chọn những vận động viên xuất sắc thông qua các giải phong trào để đại diện cho tỉnh tham gia các giải đấu khu vực và toàn quốc. Trong 5 năm gần đây (từ 2010-2015), Liên đoàn Quần vợt tỉnh đã cử hàng trăm lượt vận động viên tham gia gần 20 giải đấu cấp khu vực, quốc gia, qua đó đã giành được 7 HCV, 8 HCB, 6 HCĐ. Không những vậy, nhằm tạo lớp vận động viên năng khiếu kế cận, từ năm 2007 đến nay trung bình mỗi năm Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao tỉnh cũng chiêu sinh gần 20 em trong độ tuổi từ 8 - 12 để mở lớp quần vợt năng khiếu, chuẩn bị cho những mục đích dài hơi trong tương lai…

Ông Đoàn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh cho biết: “Hiện nay, số lượng sân bãi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, thi đấu của người hâm mộ nên đã giúp môn quần vợt trên địa bàn có bước khởi sắc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô tổ chức các giải đấu hằng năm. Đồng thời, tạo điều kiện cho vận động viên của tỉnh được thi đấu giao lưu ở các giải đấu do địa phương khác tổ chức. Hy vọng trong những năm tới, quần vợt sẽ phát huy được thế mạnh, trở thành môn thể thao mũi nhọn, mang về nhiều thành tích cao cho tỉnh”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.