Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin chú trọng công tác xã hội hóa thể dục thể thao

18:10, 27/12/2016

Mặc dù là huyện mới được thành lập, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng phong trào tập luyện thể dục thể thao (TDTT) ở huyện Cư Kuin phát triển khá mạnh.

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn có nhiều cá nhân, tập thể đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc rèn luyện sức khỏe của người dân. Tính đến nay, toàn huyện có 24 sân bóng đá 11 người, 22 sân bóng đá mini cỏ tự nhiên, 14 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 63 sân bóng chuyền, 18 sân cầu lông, 2 nhà thi đấu đa năng, 4 sân quần vợt (tennis), 6 câu lạc bộ dưỡng sinh, sức khỏe ngoài trời, 44 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, buôn... Hầu hết các sân tập, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT là do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động, luôn thu hút đông đảo người dân thường xuyên tham gia tập luyện.

Môn bóng chuyền nữ huyện Cư Kuin phát triển khá mạnh.
Môn bóng chuyền nữ huyện Cư Kuin phát triển khá mạnh.

Xuất phát từ niềm đam mê thể thao và nhận thấy thực tế tại địa phương sân chơi dành cho thanh - thiếu niên còn thiếu nên năm 2012, anh Hoàng Sa (khu vực trung tâm chợ Trung Hòa, xã Ea Ktur) đã đầu tư trên 500 triệu đồng để xây dựng sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Ruby trên mảnh đất trống của gia đình. Trước khi đầu tư xây dựng, anh đã đi tìm hiểu mô hình, cách làm sân tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Với lợi thế nằm ở vị trí “đắc địa” nên khi xây dựng xong, sân thu hút rất đông người đến để được thỏa niềm đam mê với trái bóng tròn , hằng ngày sân thường được đặt kín lịch từ 7 giờ đến 20 giờ. Anh Sa chia sẻ: “Bản thân tôi rất đam mê bóng đá, những năm trước đây tôi từng tham gia các trận đấu bóng đá phong trào ở một số sân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và nhận thấy hầu hết các sân bóng này rất “hút” khách, cùng với suy nghĩ muốn đóng góp, chăm lo cho sự nghiệp TDTT tại địa phương nên tôi vay mượn tiền bạc để đầu tư xây dựng”. Tương tự, cuối năm 2012, anh Trần Văn Hùng đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng cụm 2 sân mini cỏ nhân tạo trên địa bàn xã Ea Bhôk (gần trung tâm hành chính huyện). Với sân bãi chất lượng, đầy đủ tiện nghi, phục vụ chu đáo, sân thu hút ngày càng đông đảo thanh - thiếu niên trên địa bàn; nhiều đội bóng, câu lạc bộ, cơ quan đã đặt sân cả tháng để tập luyện, thi đấu…

Không riêng gì môn bóng đá, các sân quần vợt, bóng bàn, cầu lông... cũng được cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu thể thao. Nhằm giúp cán bộ, nhân dân có điều kiện giao lưu, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đều tổ chức các giải thể thao, hội thao, như: giải bóng đá mini thanh niên, giải bóng chuyền nam - nữ, giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng…; trong đó, có nhiều giải chủ yếu huy động nguồn  xã hội hóa. Đặc biệt, môn bóng chuyền nữ phát triển khá mạnh, hầu như năm nào giải đấu cũng thu hút đông đảo các đội bóng tham gia. Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyễn Đức Hanh cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện TDTT được chính quyền địa phương rất quan tâm. Cùng với đó, địa phương đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng bằng việc huy động sức mạnh toàn xã hội nhằm chăm lo giáo dục thể chất cho nhân dân, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương”.

Có thể thấy, phong trào TDTT trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. Theo thống kê, hiện nay số người thường xuyên luyện tập TDTT chiếm 22,5% (22.727 người); số gia đình thể thao chiếm 15,7% (3.457 gia đình). Không những vậy, thông qua các giải đấu ở cơ sở giúp các nhà chuyên môn phát hiện những “hạt nhân” có năng khiếu và triển vọng đại diện cho huyện tham gia nhiều giải đấu cấp tỉnh, mang thành tích về cho huyện nhà.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.