Multimedia Đọc Báo in

Đến hẹn lại… lo!

11:39, 02/04/2016
Chỉ còn ít ngày nữa, giải Bóng đá chuyên nghiệp hạng Nhất Quốc gia 2016 sẽ chính thức khởi tranh trên khắp các sân cỏ cả nước, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều Câu lạc bộ (CLB) bóng đá hạng Nhất đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải “thắt lưng buộc bụng” do thiếu… kinh phí hoạt động.

Trong những năm gần đây, vấn đề kinh phí và nhân lực luôn là chuyện đau đầu đối với những người làm công tác quản lý bóng đá. Chuyện các CLB bóng đá không đủ kinh phí để hoạt động dẫn đến viễn cảnh… giải thể đội bóng chẳng phải là chuyện mới ở làng bóng đá Việt Nam. Còn nhớ, mùa bóng 2014, CLB bóng đá Hùng Vương An Giang đã phải giải thể do không có tiền để trả lương cho cầu thủ cũng như duy trì hoạt động. Trước đó, năm 2013, CLB bóng đá Kiên Giang cũng xin rút lui khỏi V-League 2014 do không còn nhận được sự hậu thuẫn từ Ngân hàng Kiên Long. Năm 2015 vừa qua, dù là đội bóng được đầu tư, chăm sóc kỹ càng bậc nhất của bóng đá Việt Nam nhưng sau khi rớt hạng khỏi V-League, CLB bóng đá Đồng Nai lại lâm vào cảnh khốn đốn, các cầu thủ lần lượt chấm dứt hợp đồng, các nhà tài trợ đồng loạt quay lưng. Phải đến phút cuối lãnh đạo địa phương mới quyết định cho đội bóng tham gia giải hạng Nhất do… thiếu tiền.

Các cầu thủ CLB bóng đá Đắk Lắk trong một buổi tập  trên sân vận động Buôn Ma Thuột.
Các cầu thủ CLB bóng đá Đắk Lắk trong một buổi tập trên sân vận động Buôn Ma Thuột.

Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, mỗi một CLB tham gia giải hạng Nhất Quốc gia cần có ít nhất 20 tỷ đồng/mùa giải, đó là chi phí ước lượng dành cho quỹ lương, thưởng, ăn ở, đi lại, chuyển nhượng cầu thủ...  Dẫu biết rằng, đã chấp nhận cuộc chơi thì người chơi phải tuân thủ những quy định đã được đề ra, nhưng nếu so với các CLB đang thi đấu tại V-League (khoảng 35 tỷ đồng/mùa) thì số tiền trên lại là “chuyện lớn” bởi đa số các CLB hạng Nhất rất khó tìm kiếm tài trợ. Phần lớn các CLB bóng đá hạng Nhất hiện nay đều trông chờ vào ngân sách của địa phương, trong đó CLB bóng đá Đắk Lắk không phải ngoại lệ. Từ khi đội còn đá hạng Nhì cho đến khi lên chuyên nghiệp, toàn bộ chi phí dành cho đội bóng đều dựa vào “bầu sữa” ngân sách. Mùa giải 2016 sắp khởi tranh nhưng cho đến thời điểm này, CLB bóng đá Đắk Lắk vẫn đang thấp thỏm chờ UBND tỉnh thông qua đề án hoạt động CLB đã trình trước đó! Trước mắt, Ban lãnh đạo đội bóng đang tính đến phương án sẽ tiết kiệm chi phí tối đa ở mùa giải năm nay như cắt giảm bớt quỹ hoạt động, lương thưởng của cầu thủ...

Theo các chuyên gia, “thắt lưng buộc bụng” bằng việc giảm lương, cắt thưởng… suy cho cùng cũng chỉ là những giải pháp tình thế trong một thời gian ngắn. Với thực trạng hiện tại, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu năm sau hay năm sau nữa sẽ tiếp tục có những đội bóng rút lui, giải thể do khó khăn về nguồn tài chính bởi hiện nay đa số các ông “bầu” và doanh nghiệp đã không còn mặn mà với bóng đá nội.

 Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.