Khổ luyện cho giấc mơ vàng
Chuẩn bị cho Giải điền kinh vô địch các lứa tuổi trẻ toàn quốc (được tổ chức vào đầu tháng 6 tại Đồng Nai), thầy trò huấn luyện viên đội tuyển điền kinh trẻ (Trường Năng khiếu tỉnh) Nguyễn Văn Minh đang miệt mài luyện tập, hoàn thiện các kỹ chiến thuật thi đấu để gặt hái kết quả tốt nhất trong lần đầu tham dự…
Đã thành thông lệ, cứ đúng 14 giờ hằng ngày, không kể thời tiết nắng mưa, các vận động viên đội tuyển điền kinh năng khiếu trẻ lại ra khuôn viên Quảng trường 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) bắt đầu cho buổi luyện tập. Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Nguyễn Văn Minh, các em dành 30 phút khởi động trước khi vào các bài tập chính thức rèn luyện thể lực, duy trì sức bền, độ dẻo dai. Ở nội dung này, tùy theo lứa tuổi, vận động viên xuất phát, chạy theo các cự ly 2 km hoặc 3 km. Không mũ nón, không trò chuyện, với một tác phong rất chuyên nghiệp, nghiêm túc, các em dồn hết sự tập trung vào những bước chạy từ khởi động cho đến tăng tốc và bứt phá về đích khiến người xem cảm nhận đang là cuộc thi chính thức.
Vận động viên nhí Hoàng Đạt (SN 2005) là người sau cùng hoàn thành chặng đường 2 km. Vừa cán đích, khi những giọt mồ hôi còn chưa kịp khô trên gương mặt rám nắng, mối quan tâm đầu tiên của Đạt là xem thời gian có rút ngắn hơn so với ngày hôm trước không. Và em nở nụ cười rạng rỡ khi đồng hồ bấm giờ cho biết thời gian chạy đã ít hơn vài giây so với vài tuần trước. Em chia sẻ, em đang nỗ lực tập luyện, chinh phục được chặng đường dài 2 km hằng ngày với thời gian ngắn nhất để hướng đến cái đích xa hơn là được xướng tên trên bục trao giải của sân chơi lớn nhất, lần đầu tiên mình thử sức là Giải điền kinh vô địch các lứa tuổi trẻ toàn quốc sắp đến.
Các vận động viên khởi động trước buổi tập. |
Hiện đội tuyển điền kinh trẻ có 17 thành viên (trong đó có 7 vận động viên nữ), có độ tuổi trung bình là 14. Huấn luyện viên Nguyễn Văn Minh cho biết, đây là những em có tố chất đặc biệt, phù hợp với môn điền kinh và được tuyển chọn, phát hiện từ những giải phong trào ở các huyện, thành phố. Vận động viên có thâm niên gắn bó với bộ môn này nhiều nhất là 3 năm như các em Nguyễn Đức Phương, Trần Thị Bích Vân, còn ít nhất thì cũng được dăm tháng như em Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Đạt… Để tập hợp một lực lượng năng khiếu hùng hậu và tiến hành đào tạo, chuẩn bị lực lượng kế thừa, tiếp nối thế hệ đàn anh đã xây dựng được thương hiệu, tên tuổi trong làng điền kinh trong nước như Trần Văn Thắng (vận động viên từng 3 lần liên tiếp tham gia các kỳ Sea Games và giành được 2 HCB, 1 HCĐ), Trần Văn Cát, Ngô Đăng Thanh (HCV Đại hội thể dục thể thao), các thành viên trong Ban huấn luyện đã dồn hết công sức, tâm huyết cho công tác huấn luyện. “Với đặc thù môn điền kinh đòi hỏi sự khổ luyện cùng với “tuổi nghề” không dài nên ban đầu nhiều gia đình không tán thành, ủng hộ các em đi theo nghiệp thể thao, vì vậy chúng tôi phải thuyết phục, động viên, giải thích để họ hợp tác cùng nhà trường đào tạo các em cống hiến cho thể thao địa phương”, Huấn luyện viên Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Khi tập trung lên đội tuyển, Trường năng khiếu tạo mọi điều kiện thuận lợi, tốt nhất trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện để các em phát huy tối đa năng khiếu. Thông thường thời gian đầu Ban huấn luyện dành thời gian theo dõi, phân tích sở trường của từng em để đưa ra giáo án phù hợp, hướng các em vào những cự ly thích hợp, sau đó mới đi vào tập luyện với cường độ cao. Đây cũng là thời gian đòi hỏi mỗi vận động viên ngoài niềm đam mê môn thể thao tốc độ này thì cần phải có tinh thần tự giác, tính kỷ luật cùng một ý chí, nghị lực quyết tâm phi thường. “Ban đầu chưa quen vận động, chúng em bị nhức mỏi toàn thân, khi chạy quãng đường 2 hoặc 3 km có cảm giác như dài vô tận, không có đích đến vậy. Nhưng tập riết rồi cũng quen, với lại giấc mơ chiến thắng, đoạt những tấm huy chương danh giá ở các giải đấu đã tiếp thêm động lực, giúp chúng em chinh phục, vượt qua những thử thách trên đường pít”, vận động viên Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.
Cùng với những giáo án tập luyện nặng, để duy trì những bước chân bền bỉ, các vận động viên có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, thực đơn được lên từng ngày, từng tuần, giúp họ có đầy đủ năng lượng. Ngoài việc siêng năng tập luyện, nâng cao chuyên môn, các vận động viên còn được học văn hóa, trang bị kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai. Bởi vậy thời khóa biểu của các vận động viên hầu như khép kín: sáng đi học văn hóa, chiều tập chuyên môn, tối lại đi học phụ đạo, nâng cao. Đối mặt với cường độ tập luyện cao cùng với áp lực học văn hóa, song với niềm đam mê mãnh liệt môn thể thao “nữ hoàng”, các vận động viên vẫn hoàn thành xuất sắc giáo án, ngày càng hoàn thiện kỹ, chiến thuật thi đấu, hướng đến mục tiêu chinh phục giấc mơ vàng.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc