Multimedia Đọc Báo in

Vươn xa những mái chèo

10:05, 29/12/2017

Là tỉnh miền núi, song Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương có môn thể thao đua thuyền rowing khá phát triển qua thành tích mà đội tuyển rowing đạt được tại các đấu trường trong nước và khu vực…

Năm 2012, đội tuyển rowing Đắk Lắk được thành lập, đánh dấu bước đột phá trong chiến lược đầu tư cho thể thao thành tích cao của những người làm công tác quản lý khi mạnh dạn đầu tư, phát triển bộ môn nằm trong hệ thống thi đấu olympic quốc tế này. Vạn sự khởi đầu nan, để hình thành nên bộ khung của đội tuyển, các thành viên trong Ban huấn luyện đã vất vả, kỳ công về các huyện có thế mạnh ở môn này như: Krông Bông, Buôn Đôn, Cư M’gar tìm kiếm vận động viên năng khiếu, thuyết phục gia đình đồng thuận cho các em theo nghiệp thể thao. Quá trình tuyển chọn vận động viên diễn ra rất chặt chẽ, khắt khe, bởi đặc thù của môn thể thao có tính tập thể cao này đòi hỏi phải xây dựng một đội tuyển ổn định, không có nhiều thay đổi để các vận động viên có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng trong quá trình luyện tập cũng như khi thi đấu. Chính vì vậy, từ khi ra đời đến nay, đội tuyển rowing hầu như không có sự thay đổi về nhân sự, với 4 vận động viên được biên chế, gồm: Đàm Văn Hiếu, Huỳnh Quốc Dân, Nguyễn Khánh Lập và Hoàng Phước Tuân.

Lễ hội đua thuyền tại huyện  Krông Ana được tổ chức mùng 4 Tết hằng năm.
Lễ hội đua thuyền tại huyện Krông Ana được tổ chức mùng 4 Tết hằng năm.

Chưa có kinh nghiệm huấn luyện bộ môn thể thao mới mẻ này, thời gian  đầu, các huấn luyện viên phải tìm đến các địa phương có phong trào rowing phát triển để “tầm sư học đạo” học hỏi kinh nghiệm. Huấn luyện viên đội tuyển Rowing Mai Sỹ Hoàn cho biết: “Không phải đội tuyển nào cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong quá trình tập luyện, thi đấu, vì vậy để học được các bài tập kỹ thuật hữu ích, chúng tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem kỹ băng đĩa các đội tuyển thi đấu để rút kinh nghiệm, áp dụng vào quá trình huấn luyện”. Về phía các vận động viên, với niềm đam mê, yêu thích thể thao đã đoàn kết, quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, nỗ lực, tích cực tập luyện. Quá trình tập luyện gian khổ của các vận động viên kéo dài liên tục trong suốt 5 năm liền nhằm duy trì thể lực, khả năng phối hợp nhuần nhuyễn, bất kể điều kiện thời tiết nắng, mưa các tay chèo đều âm thầm bền bỉ, khổ luyện, nâng cao, hoàn thiện các kỹ, chiến thuật.

Các vận động viên đội tuyển rowing  tập luyện.
Các vận động viên đội tuyển rowing tập luyện.
Huy chương Vàng và huy chương Đồng của đội tuyển rowing đoạt được là 2 trong số 4 huy chương có tầm cỡ khu vực của thể thao thành tích cao Đắk Lắk đạt được trong năm 2017.

Sau 5 năm ròng rã tập luyện, năm 2017, thầy trò Huấn luyện viên Mai Sỹ Hoàn bước vào cuộc tranh tài, thử sức tại Giải đua thuyền rowing và canoeing vô địch các câu lạc bộ toàn quốc (tổ chức vào tháng 4 tại TP. Đà Nẵng), Kết quả đã đoạt 1 huy chương Bạc. 4 tháng sau đội lại tham gia Giải đua thuyền rowing vô địch Đông Nam Á cũng diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là giải đấu uy tín bậc nhất của khu vực, khi quy tụ 100 vận động viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á có phong trào rowing rất mạnh là: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan. Tại giải này, đội tuyển rowing Đắk Lắk tạo nên bất ngờ lớn, gây sửng sốt giới chuyên môn khi đoạt được 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Đồng, nội dung thuyền 4 nam mái chèo đôi, góp phần đem vinh quang về cho đất nước, làm nức lòng người hâm mộ môn rowing tỉnh nhà. Những tấm huy chương khẳng định tài năng, quyết tâm vượt khó, chinh phục giấc mơ vàng cũng đã đưa các vận động viên Đắk Lắk lọt vào mắt xanh các nhà cầm quân khi tay chèo Đàm Văn Hiếu được chọn lên đội tuyển quốc gia và vận động viên Nguyễn Khánh Lập được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.