Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Tự tin hướng đến Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII

09:11, 16/01/2018

Liên tục xếp thứ Nhất toàn đoàn qua 7 kỳ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh (từ Đại hội lần thứ I đến thứ VII), đến Đại hội lần thứ VIII năm 2018, TP. Buôn Ma Thuột đề ra mục tiêu tiếp tục giữ vững ngôi vị trên. Mục tiêu này đang dần hiện thực hóa, khi khép lại giai đoạn 1 của đại hội, Buôn Ma Thuột nằm trong tốp 3 trên bảng xếp hạng…

Giai đoạn 1 của đại hội (thi đấu từ tháng 8 đến hết tháng 12-2017), TP. Buôn Ma Thuột có gần 140 vận động viên, tham gia tranh tài ở các môn: võ cổ truyền, karatedo, taekwondo, billiards, bóng đá, cầu lông, bóng bàn. Kết quả, thành phố đạt tổng cộng 589 điểm, xếp vị trí thứ hai (sau huyện Krông Pắc) trên bảng tổng sắp. Đáng chú ý, trong số các môn thi đấu, có 3 môn thành phố khẳng định được thế mạnh tuyệt đối, khi đoạt giải Nhất toàn đoàn, gồm: billiards (huy chương Vàng cả 2 nội dung carom 1 băng và 3 băng), cầu lông (7 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 6 huy chương Đồng) và môn bóng bàn (3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng).

Vận động viên TP. Buôn Ma Thuột (bên phải) thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII (Giai đoạn 1).
Vận động viên TP. Buôn Ma Thuột (bên phải) thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII (Giai đoạn 1).

Thành công không tự đến, để có được những thành tích xuất sắc trên, TP. Buôn Ma Thuột đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ đại hội cấp cơ sở đến cấp thành phố. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 8-2017, thành phố đã tổ chức đại hội tại 21 xã, phường, với sự tham gia của hơn 1.600 vận động viên, thi đấu ở các môn:  karatedo, bóng bàn, cầu lông, billiards, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam 5 người, kéo co nam, kéo co nữ. Căn cứ vào thành tích của vận động viên ở các môn, cũng như trên cơ sở xác định những môn thế mạnh, mũi nhọn là bóng bàn, cầu lông và billiards, thành phố đã tuyển chọn lực lượng vận động viên xuất sắc nhất để đi thi đấu. Trước khi tham gia các môn, thành phố dành thời gian tập trung vận động viên luyện tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm; hỗ trợ kinh phí luyện tập, thi đấu. Nhờ chiến lược đầu tư đúng đắn, có trọng tâm, cùng với sự nỗ lực, thi đấu hết mình của các vận động viên, thành phố đã có được vị trí thứ 2, vị trí phản ánh đúng thực lực của thành phố.

Tay cơ Phạm Minh Khiêm (bên trái) TP. Buôn Ma Thuột đoạt huy chương Vàng cả 2 nội dung carom 3 băng và 1 băng môn billards tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII.
Tay cơ Phạm Minh Khiêm (bên trái) TP. Buôn Ma Thuột đoạt huy chương Vàng cả 2 nội dung carom 3 băng và 1 băng môn billards tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII.

Ở giai đoạn 2 của đại hội (khởi tranh vào tháng 3-2018), sẽ thi đấu các môn: điền kinh, kéo co, bóng đá 5 người, đẩy gậy, bắn nỏ và vovinam. Hiện TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập các đội tuyển, với tổng số 150 vận động viên. Trong các môn trên, thành phố xác định vovinam là môn thế mạnh, trọng điểm, có nhiều khả năng tranh chấp huy chương nên đã tập trung lực lượng vận động viên hùng hậu nhất, với 30 võ sĩ, tham gia thi đấu ở tất cả các nội dung. Theo Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Chiêu Dương thì ở môn này, thành phố có khả năng đoạt 15 huy chương vàng ở tất cả các nội dung. Ngoài môn này ra, các môn: bóng đá 5 người, đẩy gậy, kéo co… cũng kỳ vọng sẽ đem về thành công cho thành phố.

Giai đoạn 2 của Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII sẽ chính thức diễn ra từ 25-3 đến 10-4-2018 tại TP. Buôn Ma Thuột. Hiện tại, các vận động viên của các đội tuyển đang tích cực, nỗ lực tập luyện với quyết tâm cao nhất, sẵn sàng tâm thế bước vào giai đoạn tranh tài quyết định của đại hội.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.