Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội của tình đoàn kết

08:58, 05/04/2018

Với phương châm “Đoàn kết, trung thực, cao thượng”, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII, năm 2017-2018 đã diễn ra những cuộc tranh tài sôi nổi, hào hứng, quyết liệt song không kém phần vui tươi, thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em…

Là sự kiện thể thao lớn nhất, được tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII, năm 2017-2018 có 2.500 vận động viên (tăng hơn 1.000 vận động viên so với Đại hội lần thứ VII) đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố và các ngành: Công an, Quân đội, Giáo dục và Đào tạo. Với 215 nội dung thi đấu ở 15 bộ môn nên để bảo đảm chất lượng chuyên môn, Ban tổ chức đã sắp xếp lịch thi đấu cách khoa học, hợp lý. Theo đó, ở giai đoạn 1 (từ tháng 9 đến tháng 12-2017), tại một số địa phương đã diễn ra các môn: Võ cổ truyền, karatedo; taekwondo, bóng đá nam 11 người, cầu lông, bóng bàn, billiards, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ. Ở giai đoạn thi đấu chính thức của đại hội (từ 27 đến 31-3-2018), có các môn: Điền kinh, bắn nỏ, bóng đá futsal nam, đẩy gậy, kéo co, vovinam.

Vận động viên tranh tài môn đẩy gậy.
Vận động viên tranh tài môn đẩy gậy.

Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII, năm 2017-2018 ghi nhận sự chuẩn bị hết sức chu đáo của Ban tổ chức qua việc thành lập các tiểu ban, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kịch bản, tổ chức lễ khai mạc hoành tráng, ấn tượng, tương xứng với quy mô của Đại hội. Bên cạnh đó với số lượng vận động viên tham gia đông, nội dung thi đấu nhiều, Ban tổ chức đã điều động hơn 250 trọng tài có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tham gia điều hành các trận đấu. Trong suốt quá trình diễn ra đại hội, đội ngũ những người “cầm cân nảy mực” điều hành các trận đấu một cách công tâm, khách quan, trung thực, không để xảy ra sai sót, sự cố đáng tiếc về chuyên môn. Bên cạnh đó, để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, Ban tổ chức đưa một số môn về thi đấu ở một số huyện, thị xã với mục đích thúc đẩy phong trào thể thao cơ sở phát triển cũng như tạo điều kiện để các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Các địa phương được chọn đăng cai một số môn như: thị xã Buôn Hồ (đăng cai môn võ cổ truyền), huyện Krông Bông (bóng đá nam 11 người), huyện Krông Năng (bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ)… đã có cơ hội chứng tỏ, thể hiện tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, bố trí sắp xếp nơi ăn nghỉ cho các đoàn trong suốt thời gian diễn ra giải (trung bình mỗi giải diễn ra trong thời gian 5 ngày), huy động đông đảo học sinh, nhân dân trên địa bàn đến tham gia, cổ vũ sôi động, để lại những ấn tượng tốt đẹp với các đoàn về dự giải.

Đến với ngày Hội thể thao lớn nhất tỉnh, các địa phương, đơn vị có sự đầu tư, chuẩn bị lực lượng vận động viên chất lượng, nhằm cạnh tranh thứ hạng cao nhất tại Đại hội. Các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức tốt đại hội cấp cơ sở, thành lập các đội tuyển, tranh tài ở cấp tỉnh. Thị xã Buôn Hồ, một trong những địa phương có thời gian chuẩn bị dài gần 4 năm, với quyết tâm “soán” vị trí Nhất toàn đoàn của TP. Buôn Ma Thuột (địa phương liên tục dẫn đầu 7 kỳ đại hội) đã ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn của mình như: bắn nỏ, bắn cung, vovinam (nội dung quyền), võ cổ truyền, điền kinh, kéo co. Với định hướng chiến lược đầu tư đúng đắn đó, thị xã Buôn Hồ đã đoạt gần hết các huy chương Vàng. Cụ thể như ở môn bắn nỏ, bắn cung, Buôn Hồ đoạt 5/8 huy chương Vàng; võ cổ truyền (7 huy chương Vàng); vovinam (5 huy chương Vàng); môn điền kinh (4 huy chương Vàng); kéo co (3 huy chương Vàng)… Qua đó, đã xuất sắc giành vị trí Nhất toàn đoàn tại Đại hội.

Các vận động viên xuất phát môn điền kinh, nội dung 200 mét nam.
Các vận động viên xuất phát môn điền kinh, nội dung 200 mét nam.

Tương tự, huyện Krông Búk, một trong những địa phương còn khó khăn của tỉnh song cũng rất nỗ lực, quyết tâm cao khi tham dự đại hội. Krông Búk đã lựa chọn môn thế mạnh là đẩy gậy, nội dung nữ để tuyển chọn vận động viên, tổ chức luyện tập nghiêm túc. Ở bộ môn này, Krông Búk chỉ có 14 vận động viên tranh tài, song đã có đến 8 vận động viên vào chung kết ở 9 nội dung và xuất sắc đoạt 7 huy chương Vàng.

Trái với không khí cạnh tranh quyết liệt, hết mình vì “màu cờ sắc áo” trong các trận đấu, bên ngoài sàn đấu, vận động viên của các đoàn, không phân biệt tuổi tác, dân tộc đã gặp gỡ, hàn huyên, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong bầu không khí đoàn kết, thân ái. Anh Y Siêm Niê (huyện Krông Búk) hào hứng: “Mình rất vui khi được chọn đi thi đấu môn đẩy gậy, bởi đây là đại hội 4 năm mới tổ chức một lần để mình được gặp gỡ, tranh tài với các vận động viên khác”. Niềm vui của Y Siêm Niê được nhân đôi khi anh đoạt huy chương Đồng tại đại hội. Cùng chung tâm trạng với Y Siêm, tất cả vận động viên có mặt, tranh tài ở Đại hội cũng cảm nhận, ngày hội thể thao lớn nhất của tỉnh nhà đã đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, thể hiện tình đoàn kết, thân ái, tất cả cùng vì mục tiêu phát triển thể thao tỉnh nhà bền vững.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.