Doanh nghiệp đồng hành cùng thể thao phong trào
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã năng động tìm kiếm nguồn tài trợ của các doanh nghiệp nhằm duy trì các giải đấu, thúc đẩy thể thao phong trào phát triển.
Giải vô địch Quần vợt tỉnh Đắk Lắk năm 2018, một trong những giải quy mô, thu hút gần 300 vận động viên của 23 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh tham dự và diễn ra trong 3 ngày, kinh phí dự toán khoảng 200 triệu đồng, song kinh phí ngân sách chỉ có 25 triệu đồng. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vận động Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, chi nhánh Đắk Lắk tài trợ 40 triệu đồng, kinh phí còn lại do Liên đoàn Quần vợt tỉnh kêu gọi các câu lạc bộ tham dự đóng góp để giải diễn ra đúng kế hoạch và đã thành công tốt đẹp.
Tương tự, giải đua thuyền truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, với số thuyền đua dao động từ 25-30 thuyền, trong khi ngân sách chi cho giải chỉ khoảng 40 triệu đồng. Số tiền này không đủ để hỗ trợ cho mỗi đơn vị tham gia là 1,5 triệu đồng, chưa kể đến các chi phí khác như tuyên truyền, tổ chức, trao thưởng… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vận động được Công ty Phân bón Bình Điền tài trợ 60 triệu đồng tổ chức giải, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các vận động viên tham dự.
Ban tổ chức giải trao tặng Cờ lưu niệm cho đơn vị tài trợ Giải vô địch Quần vợt tỉnh năm 2018. |
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó trưởng Phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Trung bình mỗi tháng Sở tổ chức một giải thể thao phong trào, với kinh phí ngân sách cấp tùy theo quy mô giải dao động từ 10-25 triệu đồng nên nếu trông chờ, ỷ lại vào kinh phí được cấp thì chắc chắn không thể tổ chức các giải đấu”. Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao, kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng hành, tài trợ tổ chức các giải đấu nhằm thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển. Để thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp, các giải đấu tuy là phong trào, song phải được tổ chức một cách chuyên nghiệp, có nhiều vận động viên tham gia, chất lượng chuyên môn cao và phải thu hút sự quan tâm của người hâm mộ thể thao. Chính vì vậy, ngoài việc các giải đấu được gắn với tên đơn vị tài trợ chính, thì công tác quảng bá, tuyên truyền cho giải luôn được chú trọng thông qua nhiều kênh khác nhau như phương tiện truyền thông, pa nô, áp phích… để thương hiệu của nhà tài trợ đến được với đông đảo người dân. Kết quả là các giải thể thao phong trào thời gian qua đều thu hút được các đơn vị tài trợ, một số giải đã gắn liền với tên đơn vị tài trợ như: Giải Việt dã “Cùng Viettel Đắk Lắk chạy vì sức khỏe cộng đồng”, Giải vô địch Quần vợt tỉnh, tranh cúp Vietinbank…
Một trong những yếu tố để các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các giải phong trào là số tiền họ bỏ ra phải được sử dụng đúng mục đích. Chính vì vậy, Ban tổ chức giải đấu luôn công khai, minh bạch tài chính. Một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vốn có nhiều kinh nghiệm mời gọi các doanh nghiệp tài trợ khẳng định, tài chính là vấn đề hết sức “nhạy cảm”, nếu đã tạo dựng được niềm tin ở các nhà tài trợ về uy tín, chất lượng của giải cũng như việc sử dụng tài chính đúng mục đích sẽ thu hút các doanh nghiệp tiếp tục tham gia tài trợ cho các giải lần sau.
Theo kế hoạch triển khai xã hội hóa phát triển thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của UBND tỉnh thì hằng năm duy trì 20 giải thể thao cấp tỉnh được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó có 10 giải do các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức, 10 giải được các doanh nghiệp, cá nhân, thành phần kinh tế tài trợ tổ chức. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc