Multimedia Đọc Báo in

Khi môn quần vợt phát triển rộng khắp

08:55, 05/05/2018

Nếu trước đây môn quần vợt thường được xem là môn “thể thao quý tộc”, dành riêng cho giới thượng lưu hiện nay bộ môn này đã phát triển rộng khắp, thu hút nhiều người cùng tham gia tập luyện.

Dạo qua những sân quần vợt vào cuối mỗi buổi chiều dễ dàng nhận thấy không khí tập luyện sôi nổi. Tại cụm sân quần vợt của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đắk Lắk, 4 sân tập đều có vận động viên thuê, không sân nào bỏ trống. Tương tự, tại sân quần vợt ở sân vận động Buôn Ma Thuột, hoặc đường Mai Hắc Đế, từ khoảng 17 giờ - 21 giờ đều đã có người đặt sân. Môn thể thao này đòi hỏi sự di chuyển liên tục, tiêu tốn nhiều năng lượng, yêu cầu phải có thể lực bền bỉ, rất phù hợp với những người năng động, yêu thích vận động. Theo Phó chủ tịch kiêm Thư ký Liên đoàn Quần vợt tỉnh Đoàn Thanh Tùng, chi phí đầu tư tập luyện tennis so với thu nhập của người dân hiện nay không cao, trung bình mỗi cây vợt đánh được có giá khoảng 1 triệu đồng, tiền thuê sân bãi cũng tương đối rẻ, trung bình 100 nghìn đồng/giờ. Do đó, người tham gia luyện tập ngày càng đông, không giới hạn thành phần, lứa tuổi. Nắm bắt nhu cầu phát triển đó, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư xây dựng sân quần vợt theo đúng tiêu chuẩn quốc gia để phục vụ người tập. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 sân quần vợt, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắc, Ea H’leo.

Tay vợt trẻ Nguyễn Phước Bình (phải)  cùng  đồng đội đoạt  huy chương Đồng tại Giải  quần vợt tỉnh năm 2018, nội  dung  đôi nam, trình điểm 1.450.
Tay vợt trẻ Nguyễn Phước Bình (phải) cùng đồng đội đoạt huy chương Đồng tại Giải quần vợt tỉnh năm 2018, nội dung đôi nam, trình điểm 1.450.

Những người có chung sở thích, đam mê cây vợt và trái banh nỉ cùng hội tụ và thành lập các câu lạc bộ riêng, theo các ngành nghề: công chức, ngân hàng, học sinh... Toàn tỉnh hiện có 23 câu lạc bộ với khoảng 1.500 hội viên, có mặt ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Để tạo cơ hội cho hội viên giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức 2 giải/năm. Ngoài ra, ở tầm cao hơn, hằng năm Liên đoàn Quần vợt tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 2 giải lớn, thu hút nhiều vận động viên tranh tài. Đơn cử như Giải quần vợt tỉnh năm 2018 vừa diễn ra mới đây có gần 300 vận động viên tham gia. Giải có chất lượng chuyên môn khá cao, khi thu hút các vận động viên có trình điểm từ 1.100 đến 1.650 tham dự.

Những giải đấu được tổ chức liên tục, thường xuyên đã trở thành cơ hội quý cho các nhà tuyển trạch vận động viên săn lùng, tìm kiếm những tài năng trẻ để đào tạo, bổ sung lực lượng cho đội tuyển quần vợt, bồi dưỡng thành những vận động viên chuyên nghiệp. Đơn cử như qua các giải phong trào, quần vợt Đắk Lắk đã phát hiện ra những vận động viên năng khiếu trẻ, như: Hồ Thị Trúc Tâm, vận động viên đã xuất sắc đoạt huy chương Đồng tại giải Quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc 2017. Hay như các vận động viên Trần Đại Phát, Trần Đại Quang… cũng là những tay vợt trẻ tài năng, đã tham dự nhiều giải đấu quan trọng và giành được những thành tích đáng khích lệ. Gần đây nhất, tay vợt chỉ mới 15 tuổi Nguyễn Phước Bình đã được những nhà chuyên môn phát hiện. Tuy chỉ mới tiếp cận, làm quen với môn này 2 năm rưỡi, song cậu học trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) có thể hình, chiều cao lý tưởng, sở hữu những cú đánh mạnh mẽ, di chuyển linh hoạt, thi đấu ở trình điểm cao 1.450 đã sưu tập vào bảng thành tích hơn 10 huy chương các loại, trong đó có huy chương Đồng tại giải quần vợt Thanh thiếu niên miền Trung - Tây Nguyên 2017, giải vô địch quần vợt thanh thiếu niên Đắk Lắk 2017. Giới chuyên môn nhận định nếu được đầu tư bài bản, Nguyễn Phước Bình sẽ có một chỗ đứng, vị trí xứng tầm trong làng quần vợt, đủ sức thay thế các đàn chị, đàn anh như Huỳnh Mai Huỳnh, Phan Như Quỳnh…

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.