Bóng đá tỉnh nhà với nỗi lo tự chủ tài chính
Lần đầu tiên sau nhiều mùa giải, các trận đấu của đội bóng đá Đắk Lắk tại giải hạng Nhất quốc gia không được truyền hình trực tiếp qua Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk.
Đây là một thiệt thòi lớn đối với những người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà. Theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, trong bối cảnh kinh phí, ngân sách Nhà nước cấp cho đội bóng hạn hẹp đành phải giảm chi phí truyền hình trực tiếp mỗi trận đấu. Đây là lý do bất khả kháng, những người làm bóng đá tỉnh nhà mong muốn người hâm mộ chia sẻ, thông cảm và tiếp tục đồng hành, cổ vũ đội bóng.
Các cầu thủ Đắk Lắk trong một buổi tập thể lực trên sân vận động Buôn Ma Thuột. |
Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện “cơm áo gạo tiền” được đề cập đến, bởi từ nhiều năm nay, cũng vì không có tiềm lực tài chính dồi dào, Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk không có điều kiện để đầu tư, chiêu mộ các cầu thủ giỏi, tài năng nhằm cải thiện, nâng cao thành tích của đội bóng. Điểm lại những cầu thủ Đắk Lắk nhiều mùa giải qua chỉ thấy những cái tên quen thuộc như Nguyễn Quốc Thanh, Danh Lương Thực, Nguyễn Hồng Quân, Huỳnh Kim Hùng và cả tiền đạo đã qua tuổi 30 Y Thăng Êban. Khi phải tồn tại dựa hoàn toàn vào nguồn ngân sách địa phương và không tìm kiếm được nhà tài trợ, qua từng mùa giải, Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk luôn phải “cân đong đo đếm” cho từng trận đấu, với các khoản như: tiền trả lương cho hơn 20 cầu thủ, chi phí di chuyển, lưu trú cho 9 trận đấu làm khách trên sân các đội bạn. “Cái khó bó cái khôn”, không có tiền, thầy trò huấn luyện viên Trần Phi Ái khó tìm được động cơ, động lực quyết tâm phấn đấu để lên chơi ở V.League mà mãi vẫn cứ đề ra mục tiêu là “trụ lại giải hạng Nhất quốc gia” như thổ lộ của một thành viên trong Ban huấn luyện. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều câu lạc bộ bóng đá đang chơi tại giải hạng Nhất quốc gia.
Điều lo ngại của những người làm bóng đá tỉnh nhà hiện nay là trong tương lai “bầu ngân sách” sẽ không bao cấp mà đội bóng phải chuyển qua cơ chế tự chủ tài chính. Điều này buộc những nhà quản lý thể dục thể thao phải nhanh chóng, mạnh dạn thay đổi tư duy làm bóng đá. Ngoài tìm kiếm, kêu gọi vận động các nhà tài trợ, cũng cần xây dựng chiến lược dài hơi, như đầu tư, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, bán trang phục đội bóng, đặt hệ thống biển quảng cáo trong sân… nhằm tăng thêm thu nhập cho đội bóng. Việc thành lập hội cổ động viên mới đây sẽ là bước chuẩn bị quan trọng để câu lạc bộ từng bước tiến lên chuyên nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu có mặt tại sân chơi V.League trong thời gian sớm nhất như kỳ vọng của người hâm mộ.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc