Multimedia Đọc Báo in

Chỉ còn là chuyện nội bộ châu Âu

09:09, 09/07/2018

Brazil và Uruguay - hai đại diện cuối cùng của bóng đá Nam Mỹ đã dừng chân ở vòng tứ kết, World Cup 2018 bỗng chốc trở thành một “Euro thu nhỏ”, khi phần đường còn lại đến với “ngai vàng” chỉ còn là câu chuyện nội bộ của bóng đá châu Âu.

Trước khi vòng tứ kết World Cup 2018 diễn ra, nếu ở 2 cặp đấu Anh – Thụy Điển và Nga – Croatia chỉ là cuộc chơi của các đại diện đến từ lục địa già thì người hâm mộ lại hy vọng hai cặp đấu còn lại với sự góp mặt của Brazil và Uruguay sẽ “cứu” World Cup 2018 thoát khỏi sự thống trị của bóng đá châu Âu. Thế nhưng, khi vòng tứ kết sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh khép lại cũng là lúc sân cỏ nước Nga chứng kiến sự vắng bóng của các đại diện bóng đá Nam Mỹ.

Ở trận Pháp và Uruguay, sự vắng mặt của chân sút chủ lực Cavani khiến lối chơi phòng ngự phản công của đội bóng La Celeste mất đi sự sắc nét và nguy hiểm. Trong khi đó, những “chú gà trống Gaulois” lại thi triển lối chơi chắc chắn, đầy tập trung và tận dung tốt sai lầm của hàng thủ đối phương để kết thúc trận đấu với tỉ số 2-0. Những giọt nước mắt đã rơi như một sự chia tay tiếc nuối của đội bóng Nam Mỹ sau những màn trình diễn đáng khen của họ ở World Cup 2018.

Neymar (số 10) và các đồng đội bỏ lỡ quá nhiều cơ hội và phải về nước sau thất bại với tỷ số 1-2 trước đội tuyển Bỉ ở vòng tứ kết.
Neymar (số 10) và các đồng đội bỏ lỡ quá nhiều cơ hội và phải về nước sau thất bại với tỷ số 1-2 trước đội tuyển Bỉ ở vòng tứ kết.

Còn những “vũ công Samba” được đặt nhiều kỳ vọng sẽ lên ngôi vô địch ở giải đấu năm nay. Thế nhưng sau 90 phút ở sân Kazan, Neymar và các đồng đội chỉ còn biết tự trách mình vì bỏ lỡ quá nhiều tình huống “ngon ăn” trước khung thành đối phương. Tấn công bế tắc, hàng thủ để lộ những khoảng trống khiến Brazil thua Bỉ 1-2, trở thành đại diện cuối cùng của bóng đá Nam Mỹ tạm biệt sân chơi World Cup 2018.

Nhưng không phải đến vòng tứ kết của giải đấu người ta mới chứng kiến được đẳng cấp vượt trội của bóng đá lục địa già, mà bắt đầu từ vòng 1/8 đã thấy rõ sự “lấn át” rõ rệt với sự hiện diện của 11/14 cái tên là của các đội bóng châu Âu. Chính việc sở hữu những cầu thủ chất lượng, lối chơi khoa học, ổn định khiến họ luôn là đối thủ “kỵ rơ”với mọi đội bóng. Vì thế, Argentina, Nhật Bản, Colombia rồi đến Uruguay, Brazil lần lượt thất bại chỉ càng tô đậm thêm ranh giới giữa bóng đá châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Nhìn lại lịch sử World Cup, đây cũng là lần thứ 5 một vòng bán kết chỉ gọi tên các đội bóng châu Âu. Trước đó, là các các kỳ World Cup 1934, 1966, 1982 và 2006. Thậm chí, gần đây nhất, ở kỳ World Cup 2010, 2014 có đến 3 đại diện bóng đá lục địa già góp mặt ở vòng bán kết. Khi bóng đá châu Á, châu Phi, Concacaf vẫn chỉ cho thấy sự yếu thế quen thuộc thì bóng đá Nam Mỹ với 9 lần nâng cúp vô địch trong 21 kỳ World Cup tổ chức, được coi là một “thách thức” thực sự với nền bóng đá lục địa già. Nhưng với lối chơi thiếu sự ổn định và cái “dớp” khó thắng trước đội bóng châu Âu khiến người hâm mộ ngày một chứng kiến nhiều hơn “Euro thu nhỏ” trong lòng World Cup ở đoạn kết giải đấu.

Và có lẽ cũng rất lâu nữa, World Cup mới thôi thoát khỏi sự thống trị của bóng đá châu Âu!

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.