Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh xã hội hóa các giải thể thao phong trào

09:11, 15/12/2018

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ kinh phí tổ chức, duy trì các giải thể thao phong trào, qua đó góp phần san sẻ gánh nặng ngân sách dành cho hoạt động thể dục thể thao.

Một trong những giải thể thao được đánh giá thành công, quy mô nhất từ trước đến nay vừa diễn ra với sự tài trợ kinh phí của Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột là Giải Futsal - Cúp Nguyễn Kim. Giải đấu quy tụ 16 câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất trên địa bàn tỉnh, tranh tài trong thời gian hơn 20 ngày với số tiền thưởng tương đối lớn so với một giải phong trào. Cụ thể, các đội đoạt giải nhất, nhì và ba lần lượt được thưởng 10 triệu, 8 triệu và 6 triệu đồng.

“Trước khi tổ chức giải, chúng tôi tranh thủ các mối quan hệ, “gõ cửa” các doanh nghiệp, vận động kinh phí trao thưởng kèm theo hợp đồng, với những cam kết cụ thể đảm bảo quyền lợi của nhà tài trợ. Với một giải đấu quy mô như thế này, số tiền 40 triệu đồng do Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột tài trợ rất có giá trị, đủ để chúng tôi trang trải toàn bộ chi phí”, Phó Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Xuân Hòa thông tin.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột, ông Võ Duy Khang không giấu được vẻ hài lòng với thành công của giải ở cả hai yếu tố chuyên môn và truyền thông. Về chuyên môn, đội bóng Nguyễn Kim FC đã đăng quang ngôi vô địch, trong khi đó về mặt truyền thông, “thương hiệu” Nguyễn Kim đã đến được với đông đảo người hâm mộ nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông. Chính vì vậy, không chút do dự, Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột cam kết đồng hành cùng giải trong 2 năm tới, với kinh phí tài trợ tăng dần hằng năm.

Vận động viên thi đấu tại Giải Việt dã truyền thống tỉnh Đắk Lắk năm 2018.
Vận động viên thi đấu tại Giải Việt dã truyền thống tỉnh Đắk Lắk năm 2018.

Tương tự, một trong những giải điền kinh lớn nhất, diễn ra định kỳ vào tháng 3 hằng năm là Giải Việt dã truyền thống tỉnh Đắk Lắk có trung bình đến hơn 600 vận động viên tham dự ở nhiều nội dung. Giải do Công ty Bất động sản và xây dựng Thành Đồng tài trợ trên 60 triệu đồng. Doanh nghiệp này vốn rất nhiệt huyết với phong trào thể thao, vì vậy, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt vấn đề, doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ, sẻ chia những khó khăn về tài chính để cùng tổ chức giải, với mong muốn thể thao phong trào phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Còn đại diện Công ty Phân bón Bình Điền, đơn vị tài trợ chính của Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Đắk Lắk thì cho biết, doanh nghiệp luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi tài trợ cho một giải đấu truyền thống cấp tỉnh đã bước sang tuổi thứ 11. Việc công ty tài trợ giải cũng thể hiện sự tri ân với nhân dân trên địa bàn Đắk Lắk đã tín nhiệm, sử dụng sản phẩm của công ty.

Theo kế hoạch xã hội hóa thể dục thể thao của UBND tỉnh thì mỗi năm duy trì tổ chức 20 giải thể thao cấp tỉnh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó có 10 giải do các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức, 10 giải được các doanh nghiệp, cá nhân, thành phần kinh tế tài trợ tổ chức.

Dấu ấn các nhà tài trợ còn để lại đậm nét qua rất nhiều giải phong trào, gắn liền với thương hiệu của họ như: Giải vô địch Cầu lông các câu lạc bộ - Tranh cúp Proace; Giải vô địch Quần vợt tỉnh Đắk Lắk tranh cúp Vietinbank; Giải bóng bàn hạng A, B, C tỉnh Đắk Lắk cúp SONBOSS… Dễ hiểu việc để các đơn vị tài trợ đứng tên giải cho thấy sự trân trọng của Ban tổ chức đối với những đóng góp của doanh nghiệp cho thể thao phong trào, đồng thời đó cũng là một “nhịp cầu” kết nối, quảng bá, đưa thương hiệu của nhà tài trợ đến với đông đảo người hâm mộ.

Ông Võ Duy Khang, Giám đốc Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột trao Cờ lưu niệm cho các đội dự Giải Futsal - Cúp Nguyễn Kim 2018.
Ông Võ Duy Khang, Giám đốc Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột trao Cờ lưu niệm cho các đội dự Giải Futsal - Cúp Nguyễn Kim 2018.

Được biết, trung bình mỗi tuần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một giải thể thao phong trào. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, việc kêu gọi các doanh nghiệp chung tay tài trợ các giải đấu là hết sức cần thiết. Hơn nữa trong xu thế tất yếu, các hoạt động thể thao phong trào không cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào kinh phí cấp, mà phải tự chủ về mặt tài chính.

Cụ thể, theo kế hoạch xã hội hóa thể dục thể thao của UBND tỉnh thì mỗi năm duy trì tổ chức 20 giải thể thao cấp tỉnh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó có 10 giải do các tổ chức xã hội về thể thao tổ chức, 10 giải được các doanh nghiệp, cá nhân, thành phần kinh tế tài trợ tổ chức. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh ngày càng khó khăn, không ít doanh nghiệp lớn không mặn mà với hoạt động thể thao.

Chính vì vậy để giải “bài toán” về kinh phí tổ chức các giải phong trào, bên cạnh việc năng động, tích cực tìm kiếm nhà tài trợ, những người làm công tác quản lý thể dục thể thao tỉnh nhà đã thuyết phục các doanh nghiệp bằng tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch kinh phí tài trợ sử dụng giải cũng như kết hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá về giải đấu. Nhờ đó thể thao phong trào trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì, hoạt động sôi nổi, phát triển rộng khắp.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.