Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào tập luyện môn bóng chuyền

09:21, 04/05/2019

Sau khi đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk thăng hạng và thi đấu khá thành công ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia thì phong trào tập luyện môn thể thao này trên địa bàn tỉnh cũng phát triển rầm rộ. Nhiều câu lạc bộ được thành lập, trở thành nơi hội tụ, sân chơi bổ ích của những người có cùng niềm đam mê quả bóng tròn.

Là một trong những câu lạc bộ ra đời sớm nhất, ngay sau khi đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk vừa được thăng hạng năm 2017, Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê (TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 40 hội viên sinh hoạt. Đều đặn 17 giờ 30 mỗi ngày, các hội viên không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp cùng đến tập luyện dưới sự hướng dẫn của Huấn luyện viên kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ Nguyễn Thanh Thiện. Những bài tập kỹ thuật, từ đơn giản đến phức tạp như: chuyền bóng tường, phát bóng, đập bóng được các hội viên hăng say tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất khá khang trang, đầy đủ.

Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Thiện chia sẻ: “Sau hiệu ứng của đội bóng chuyền nữ, tôi nhận thấy nhiều người có nhu cầu tập luyện môn bóng chuyền nên đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng sân tập theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt sân trải thảm cũng như trang bị đầy đủ dụng cụ, thang chạy tốc độ cổ chân, thước đo sức bật, bục tập sức bật để mọi người đến tập, rèn luyện sức khỏe”. Ngoài đảm nhiệm công việc huấn luyện cho các học viên của câu lạc bộ, với tấm Bằng huấn luyện thể thao, chuyên ngành bóng chuyền của Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, anh Thiện còn được nhiều đội bóng mời huấn luyện chuyên môn, hướng dẫn mỗi khi có giải đấu.

Các vận động viên  thi đấu tại một giải bóng chuyền phong trào.
Các vận động viên thi đấu tại một giải bóng chuyền phong trào.

Tương tự, câu lạc bộ bóng chuyền của Trường Đại học Tây Nguyên mới ra đời khoảng vài năm nay đã từng bước gây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng trong thể thao phong trào ở cả hai nội dung bóng chuyền nam và bóng chuyền nữ. Gần đây nhất, cả hai đội bóng nam và nữ của Trường Đại học Tây Nguyên đã đăng quang ngôi vô địch tại giải đấu dành cho các trường đại học, cao đẳng. Với lợi thế có nhà thi đấu đa năng, có giáo viên thể chất, các học viên tham gia vào câu lạc bộ được rèn luyện, đào tạo kỹ thuật khá bài bản, tự tin thử sức ở các sân chơi phong trào. Còn câu lạc bộ bóng chuyền nữ của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuy mới được thành lập, song nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ cũng như được sự dẫn dắt chuyên môn của Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Thiện, đội bóng chuyền nữ của Phòng Cảnh sát giao thông đã trở thành đội bóng “bất khả chiến bại” trong các giải đấu do Công an tỉnh tổ chức.

Một tin vui đến với các câu lạc bộ bóng chuyền khi vào trung tuần tháng 5-2019, Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê sẽ đăng cai tổ chức Giải bóng chuyền nam nữ năm 2019. Đây là giải đấu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ kinh phí trao giải.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay có 20 câu lạc bộ bóng chuyền nam, nữ phong trào trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện vùng sâu, vùng xa như Ea Súp, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Ana với khoảng 500 người đang tập luyện. Riêng trong hệ thống ngành ngân hàng, hầu như ngân hàng nào cũng đã có đội bóng chuyền. Với nhiều ưu thế như sân bãi được đầu tư bài bản, thể hình tốt, luật chơi đơn giản, phù hợp với điều kiện thời gian… bóng chuyền là môn thể thao được ưu tiên chọn lựa của các ngân hàng và là môn tranh tài hấp dẫn, không thể thiếu trong các hội thao của ngành ngân hàng được tổ chức hằng năm. 

Các học viên Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê tập luyện.
Các học viên Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê tập luyện.

Bên cạnh sự phát triển của các câu lạc bộ, sự gia tăng số người tập luyện, với mong muốn nâng cao chất lượng chuyên môn, các câu lạc bộ cũng đã tự tổ chức nhiều giải đấu giao lưu với nhau. Mới đây Câu lạc bộ bóng chuyền Tuổi trẻ và đam mê đã đăng cai giải đấu mở rộng, thu hút 6 đội bóng tham dự dưới hình thức xã hội hóa, các đội tự đóng góp kinh phí dự giải. Giải diễn ra hào hứng, sôi nổi, chất lượng chuyên môn khá tốt. Đại diện các đội bóng tham dự cho biết, tham dự giải với họ yếu tố thắng thua không thành vấn đề mà quan trọng là các đội đã có cơ hội gặp gỡ, thi đấu cọ xát, trao đổi kinh nghiệm, qua đó biết rõ thực lực của đội bóng.

Còn với Huấn luyện viên Nguyễn Thanh Thiện, trên cương vị là trợ lý Huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk, mục đích đứng ra tổ chức giải của anh ngoài việc khuyến khích mọi người tập luyện môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe này thì đó còn là cơ hội để tìm kiếm, phát hiện ra các tài năng bóng chuyền, giới thiệu cho các đội tuyển. Đơn cử như qua các giải phong trào, anh đã phát hiện ra hai gương mặt tài năng, bổ sung cho đội bóng chuyền nam của tỉnh hiện đang thi đấu tại giải A1 là Nguyễn Tuấn Vũ, Hồ Sỹ Thành (huyện Ea H’leo) và Vi Văn Côn (huyện Ea Súp).

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.