Kết nối đam mê trái bóng tròn
Là câu lạc bộ duy nhất dành riêng cho đối tượng thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số, Câu lạc bộ bóng đá Tây Nguyên trở thành “mái nhà chung”, nơi hội tụ, gặp gỡ, thỏa niềm đam mê quả bóng tròn của những tín đồ túc cầu giáo…
Câu lạc bộ bóng đá Tây Nguyên được thành lập năm 2017, xuất phát từ ý tưởng của nhóm bạn trẻ Y Thơ Hwing, Võ Tiến Phương Niê (TP. Buôn Ma Thuột). Chủ nhiệm Câu lạc bộ, anh Y Thơ Hwing cho biết: “Đắk Lắk tự hào có đội bóng đang chơi tại giải hạng Nhất quốc gia và cũng là có nhiều cầu thủ người dân tộc thiểu số tài năng như Y Thăng Êban (đội tuyển bóng đá Đắk Lắk), Y Nghĩa Êban (cầu thủ thi đấu cho câu lạc bộ futsal hàng đầu Sahaco), hay thủ môn đội tuyển U22 quốc gia Y Êli Niê… thì tại sao không có một câu lạc bộ dành riêng cho những thanh, thiếu niên có năng khiếu, chung sở thích bóng đá. Hơn nữa thực tế cho thấy thanh thiếu niên dân tộc thiểu số đang rất thiếu sân chơi, việc thành lập câu lạc bộ là giải pháp hữu hiệu nhằm tập hợp, kết nối các bạn, giúp họ tránh xa các tệ nạn và tự tin, năng động hơn khi hòa nhập với cộng đồng, xã hội”.
Các thành viên trong Câu lạc bộ bóng đá Tây Nguyên. |
Để thu hút thành viên tham gia vào câu lạc bộ, thời gian đầu nhóm tận dụng lợi thế của mạng xã hội, thành lập trang facebook có tên “Football Tây Nguyên”, giới thiệu cho các bạn trẻ biết tôn chỉ, mục đích hoạt động, hình thức sinh hoạt của câu lạc bộ. Bên cạnh đó các thành viên nòng cốt tranh thủ những chuyến đi công tác kết hợp tìm kiếm, phát hiện những năng khiếu, vận động tham gia câu lạc bộ; đồng thời mời các cầu thủ trưởng thành từ sự nghiệp bóng đá như Y Thăng, Y Nghĩa Êban làm thành viên danh dự, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên, hội viên.
Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn tự bỏ tiền túi trang bị đồng phục cho hội viên mỗi khi có các giải đấu, chủ động kêu gọi tài trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho toàn đội. Kết quả là từ số thành viên ban đầu chỉ có vài người, chủ yếu là Ban chủ nhiệm, đến nay câu lạc bộ có 35 thành viên chính thức và hơn 50 hội viên ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Em Y Thung Arul, hội viên đến từ huyện Cư Kuin, mới đăng ký vào câu lạc bộ năm 2018 cảm nhận: “Tham gia sinh hoạt ở câu lạc bộ em thấy rất bổ ích vì mỗi tuần chúng em được gặp các cầu thủ chuyên nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao khả năng, trình độ chơi bóng và có cơ hội thi đấu giao lưu, học hỏi với nhiều đội bóng khác trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa quá trình sinh hoạt ở câu lạc bộ, tập luyện môn thể thao yêu thích giúp chúng em biết tự giác bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, không sa vào các tệ nạn xã hội”.
Không đơn thuần là một sân chơi thể thao thông thường, địa chỉ kết nối những thanh niên dân tộc thiểu số, câu lạc bộ còn có những chương trình hoạt động ngoại khóa hữu ích như dự khán cổ vũ các cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk khi thi đấu trên Sân vận động Buôn Ma Thuột hay tham gia giao lưu, giúp học viên đang học đại học, cao đẳng có cơ hội tiếp xúc, cải thiện khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Mới đây, câu lạc bộ đã tổ chức giao lưu gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm học tiếng Anh với võ sĩ Triệt quyền đạo người Mỹ gốc Hoa Low Samuel Henry khi ông đến tìm hiểu về câu lạc bộ.
Các cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Tây Nguyên tập luyện tham dự một giải đấu. |
Thực hiện tôn chỉ, mục tiêu mà câu lạc bộ luôn hướng đến là giúp thanh niên dân tộc thiểu số phát triển tài năng, hòa nhập tốt với cộng đồng, tìm kiếm cơ hội chơi bóng tại các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, câu lạc bộ đăng ký tham dự tất cả các giải bóng đá trong tỉnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Riêng hai cầu thủ trẻ có năng khiếu của câu lạc bộ là Y Yôn Bkrông và Y U Niê vừa trải qua đợt sát hạch, thử sức tại Câu lạc bộ Futsal Sanna Khánh Hòa vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh trong những mô hình câu lạc bộ đội, nhóm tập hợp thanh thiếu niên có cùng sở thích hiện nay, Câu lạc bộ bóng đá Tây Nguyên là mô hình tập hợp, đoàn kết thanh niên dân tộc thiểu số mới mẻ, song rất hiệu quả, cần nghiên cứu nhân rộng. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc