Multimedia Đọc Báo in

Ngả mũ trước "những cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam

18:04, 09/12/2019
Tối 8-12, bằng tinh thần thi đấu quả cảm, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vượt qua "đại kình địch" Thái Lan ở trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 30 để bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng.
 
Đây là lần thứ 6, bóng đá nữ Việt Nam đứng trên bục vinh quang tại một kỳ SEA Games. Thế nhưng tấm Huy chương Vàng lần này mang lại cho người hâm mộ Việt Nam rất nhiều cảm xúc. Để có vinh quang đó, các "cô gái vàng" của chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu. 
 
Các tuyển thủ nữ Việt Nam thi đấu nỗ lực trước đối thủ hơn hẳn mình về thể hình, thể lực. Ảnh: Internet
Các tuyển thủ nữ Việt Nam thi đấu nỗ lực trước đối thủ hơn hẳn mình về thể hình, thể lực. Ảnh: Internet
 
Hành trình để đến với tấm Huy chương Vàng danh giá ở SEA Games lần này không chỉ đến từ những đối thủ trên sân cỏ. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã gặp khó khăn ngày từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Philippines. Đành rằng không nhận được sự quan tâm đầy đủ như ở môn bóng đá nam, thế nhưng hình ảnh thầy trò HLV Mai Đức Chung bưng đĩa cơm đạm bạc được các phương tiện truyền thông đăng tải đã khiến nhiều người cảm thấy "sốc" thực sự. Chẳng ai ngờ các tuyển thủ quốc gia đang chuẩn bị bước vào những màn tranh tài căng thẳng để mang vinh quang về cho thể thao nước nhà lại có chế độ dinh dưỡng như vậy. Thế rồi khi bước ra sân thi đấu, nhưng đến xem và cổ vũ cho đội tuyển nữ có trận chỉ vẻn vẹn... một cổ động viên. Có lẽ ai ở trong trường hợp như thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng phải thấy chạnh lòng.
 
Hậu vệ Chương Thị Kiều phải băng vết thương ở đùi để tiếp tục thi đấu. Ảnh: Internet
Hậu vệ Chương Thị Kiều phải băng vết thương ở đùi để tiếp tục thi đấu. Ảnh: Internet
 
Thế nhưng vượt qua tất cả, Huỳnh Như và các đồng đội của mình vẫn chiến đấu như không có chuyện gì xảy ra. Trừ trận đấu với đội tuyển nữ Indonesia tương đối dễ dàng thì hai trận đá với Thái Lan và Philippines đều nảy lửa. Trận "kịch chiến" ở vòng bảng với Thái Lan không khác gì trận chung kết. Còn trận bán kết gặp Philippines cũng vắt kiệt sức các học trò của HLV Mai Đức Chung. Gặp lại Thái Lan ở trận chung kết, thử thách đối với các cô gái Việt Nam dường như được đẩy lên đến đỉnh điểm. 
 
Hải Yến ghi bàn thắng duy nhất của trận chung kết. Ảnh: Internet
Hải Yến ghi bàn thắng duy nhất của trận chung kết. Ảnh: Internet
Xem trận chung kết môn bóng đá nữ vào tối 8-12, ai cũng phải nể phục trước nỗ lực, tinh thần thi đấu quả cảm của các cô gái Việt Nam. Hình ảnh những đôi chân rớm máu, cái nhăn mặt đau đớn sau mỗi pha sút bóng, cầu thủ nhiều lúc như đi không vững và liên tục nằm sân vì chuột rút... đã làm lay động hàng triệu trái tim người hâm mộ. Hình tượng "chiến binh" người ta thường hay dùng để nói đến các cầu thủ nam, nhưng tối 8-12, các cô gái Việt Nam đã chiến đấu không khác gì những "chiến binh" thực thụ. Mỗi khi camera bắt cận cảnh những pha kèm người hay những cú tranh chấp tay đôi mới thấy sự thua thiệt của các học trò HLV Mai Đức Chung so với đối thủ. Các tuyển thủ nữ của chúng ta có thể hình, thể lực kém hơn hẳn đội bạn. Sự khác biệt lớn nhất bên cạnh lối chơi hợp lý chính là tinh thần thi đấu, khát khao chiến thắng của các “cô gái vàng Việt Nam”. Tinh thần chiến đấu quả cảm ấy đã khiến đội bóng vừa dự World Cup bóng đá nữ thế giới mắc sai lầm và chịu thúc thủ một cách “tâm phục khẩu phục”.
 
Chiến thắng xứng đáng giành cho những nỗ lực của các cô gái Việt Nam. Ảnh: Internet
Chiến thắng xứng đáng dành cho những nỗ lực của các cô gái Việt Nam. Ảnh: Internet
Đã rất nhiều lần bóng đá nữ Việt Nam mang vinh quang về cho thể thao nước nhà, nhưng dường như họ vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Với những gì thầy trò HLV Mai Đức Chung thể hiện ở SEA Games 30, chúng ta có quyền tự hào. Nhưng trên hết hi vọng rằng những nỗ lực cống hiến đó sẽ được đền đáp xứng đáng, bóng đá nữ sẽ được quan tâm hơn, được đầu tư một cách bài bản, chiến lược để tiếp tục gặt hái thành công hơn nữa.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.