Multimedia Đọc Báo in

"Lách" qua cửa hẹp, đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk trụ hạng thành công

08:12, 10/01/2020

Đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk đã khép lại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2019 với vị trí thứ 8 và hoàn thành mục tiêu trụ hạng đề ra trước mùa giải. Đây là phần thưởng cho những nỗ lực tuyệt vời của các học trò Huấn luyện viên Trần Đăng Thành trong năm thứ hai có mặt ở đấu trường đỉnh cao này.

Tại mùa giải 2019, ở vòng 1, đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk lọt vào bảng B cùng với các đội Thông tin Lienvietpostbank, Tiến Nông Thanh Hoá, Kingphar Quảng Ninh và Truyền hình Vĩnh Long. Đây được dự đoán là bảng đấu khó khăn cho đội bóng duy nhất đại diện cho các tỉnh Tây Nguyên tham dự, bởi ngoài ứng cử viên cho chức vô địch là Thông tin Lienvietpostbank thì các đội còn lại đều được đánh giá cao hơn Đắk Lắk.

Khó khăn về tài chính nên không thể chiêu mộ được cầu thủ chất lượng mà hoàn toàn phải dựa vào nội lực, trong khi đó những đội bóng khác trong bảng tăng cường mạnh mẽ lực lượng hòng đủ khả năng cạnh tranh với các đội khác. Mục tiêu trụ hạng của Đắk Lắk trông chờ vào sự tỏa sáng của những gương mặt như chủ công H’Mia Niê, libero Nguyễn Thị Phước, chuyền hai Nguyễn Thị Kim Thoa, các phụ công Phạm Thị Lan, Võ Kim Đính, Lê Thị Nga...

Đội hình đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk.
Đội hình đội bóng chuyền nữ Đắk Lắk.

Thực tế diễn biến tại vòng 1 (diễn ra vào tháng 4-2019 tại Ninh Bình) cho thấy nhận định trên của giới chuyên môn hoàn toàn chính xác. Trải qua bốn trận đấu, đội bóng chuyền Đắk Lắk đều thất bại, trong đó có ba trận thua với tỷ số trắng (thua Thông tin Lienvietpostbank, Truyền hình Vĩnh Long và Tiến Nông Thanh Hóa với cùng tỷ số 0-3). Trận đấu duy nhất Đắk Lắk thắng được hai séc là trận gặp Kingphar Quảng Ninh, tuy nhiên đội cũng thất bại chung cuộc với tỷ số 2-3, chấp nhận xếp cuối bảng ở vòng 1. Khán giả hâm mộ bóng chuyền phố núi Ban Mê phập phồng lo đội bóng tỉnh nhà đứng trước nguy cơ xuống hạng chỉ sau hai năm được lên chơi tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia.

 
“Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về lực lượng, trước sự cạnh tranh khốc liệt của 10 đội bóng nữ mạnh hàng đầu của các tỉnh, thành, ngành trong cả nước thì việc hoàn thành mục tiêu trụ hạng là một thành công lớn của đội bóng tỉnh nhà”.
 
Huấn luyện viên Trần Đăng Thành

Quyết tâm không để đội bóng xuống hạng, không để phụ lòng người hâm mộ, những người làm công tác quản lý thể dục thể thao của tỉnh đã quyết định bổ sung lực lượng cho vòng 2. Theo đó, đã có 5 hợp đồng chất lượng đến từ các đội bóng, gồm: Nguyễn Thị Cẩm Tiên (chủ công đến từ Hậu Giang), Lý Thị Hồng Ngân (chủ công đến từ Thông tin Lienvietpostbank), Đặng Thị Thu Huyền (chuyền 2 đến từ Thông tin Lienvietpostbank), Bùi Thị Minh Huệ (phụ công đến từ Thông tin Lienvietpostbank) và libero tự do Nguyễn Thị Phương Linh. Sự tăng cường lực lượng ở thời điểm quyết định, trước khi vòng 2 chính thức khởi tranh có ý nghĩa quan trọng, giúp Huấn luyện viên Trần Đăng Thành có nhiều lựa chọn cho đội hình trong từng trận đấu.

Các cô gái đội bóng chuyền Đắk Lắk.
Các cô gái đội bóng chuyền Đắk Lắk.

Theo điều lệ mới của Giải, từ kết quả của vòng 1, tại vòng 2 (diễn ra tại Bạc Liêu vào cuối tháng 12-2019) đội bóng Đắk Lắk rơi vào bảng C cùng với Thông tin Lienvietpostbank, Truyền hình Vĩnh Long, Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Ngân hàng Công thương. Các học trò của Huấn luyện viên Trần Đăng Thành khởi đầu vòng 2 không mấy suôn sẻ khi thất bại liên tiếp hai trận với cùng tỷ số 0-3 trước Thông tin Lienvietpostbank và Truyền hình Vĩnh Long.

Tuy nhiên ở hai lượt trận cuối cùng, các cô gái Đắk Lắk đã có những nỗ lực tuyệt vời, họ vượt qua Hóa chất Đức Giang Hà Nội và Ngân hàng Công thương cũng với tỷ số 0-3, nhưng vẫn phải xếp thứ 4 và phải thi đấu trận “chung kết ngược”, đấu chéo với đội đứng chót bảng D là Thái Bình. Trong trận đấu quyết định, bản lĩnh của các cô gái từng lách qua cánh cửa hẹp, trụ hạng thành công ở trận đấu cuối cùng mùa giải 2018 đã được phát huy, họ giành chiến thắng 3-0 trước Thái Bình để tiếp tục góp mặt ở mùa giải 2020.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.