Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào thể thao quần chúng ở Cư M'gar

08:55, 27/03/2020

Những năm gần đây, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Cư M’gar với đông đảo đối tượng tham gia tập luyện.

Những địa điểm tập trung nhiều người đến tập luyện là khu vực Quảng trường, hoa viên huyện, Trung tâm Văn hóa thể thao huyện hay nhà văn hóa các xã... Mỗi người tự lựa chọn cho mình môn thể dục phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và giới tính. Thanh niên thường chọn đá bóng, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội, bóng bàn…, còn người cao tuổi lại chọn đánh bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, đi bộ…

Nhiều năm nay, đánh cầu lông đã trở thành thói quen không thể thiếu của bà Nguyễn Thị Tâm (ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú). Đều đặn 5 giờ sáng hằng ngày, bà đến Nhà thi đấu của huyện để tập luyện; hôm nào có việc bận không chơi cầu lông được là bà cảm thấy khó chịu và bí bách chân tay… Nghỉ giải lao sau một trận cầu gay cấn, bà Tâm chia sẻ: “Tập thể thao khiến tôi cảm thấy vui vẻ và sức khỏe được nâng lên rất nhiều, năm nay tôi đã 67 tuổi nhưng cả năm hầu như không bị ốm, đau gì cả. Ngày nào không đi đánh được vài trận cầu là hôm đó cảm thấy ăn cơm mất ngon”.

Các vận động viên tranh tài trong một giải thi đấu bóng chuyền ở xã Ea Kiết.
Các vận động viên tranh tài trong một giải thi đấu bóng chuyền ở xã Ea Kiết.

Để thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao phát triển, huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tập luyện, vận động nhân dân tham gia rèn luyện thân thể; thành lập, duy trì hoạt động các câu lạc bộ thể thao; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động tập luyện, thi đấu.

Điểm nhấn trong đầu tư cho các hoạt động thể dục thể thao ở địa phương là huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sự đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, các địa điểm phục vụ tập luyện thể thao với trang thiết bị cần thiết được đầu tư xây dựng ở các xã, thị trấn ngày càng nhiều, đặc biệt có những khu liên hợp thể thao trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar có 409 công trình phục vụ cho việc rèn luyện, thi đấu thể dục thể thao, trong đó có 1 nhà thi đấu đa chức năng, 23 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 140 sân bóng chuyền, 5 sân bóng rổ, 17 sân cầu lông, 2 sân quần vợt… cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Toàn huyện hiện có 196 đội bóng đá, 197 đội bóng chuyền, 4 câu lạc bộ thể hình, 7 câu lạc bộ dưỡng sinh, 2 câu lạc bộ Aerobic...

Người dân huyện Cư M'gar tham gia chạy việt dã.
Người dân huyện Cư M'gar tham gia chạy việt dã.

Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Cư M’gar cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao của người dân, hằng năm huyện và các xã, thị trấn đều tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể dục, thể thao quần chúng như: Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, cầu lông, cờ vua…

Các giải đấu đã tạo điều kiện cho nhân dân có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm vừa phát hiện nhân tố cho thể thao chuyên nghiệp. Nhiều người đã trưởng thành từ phong trào thể thao quần chúng, trở thành lực lượng nòng cốt trong các đội tuyển của huyện. Riêng trong năm 2019, huyện Cư M’gar có 16 vận động viên đoạt giải ở 4 giải thể thao cấp tỉnh.

Theo thống kê, hiện nay, số người thường xuyên tham gia rèn luyện thể dục thể thao chiếm khoảng 29,3% dân số, số gia đình tập luyện thường xuyên đạt 20,5%; đặc biệt, có nhiều gia đình trong huyện có 2 - 3 thế hệ cùng tập luyện thể dục thể thao…”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.