Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi thể thức thi đấu V-League 2020 và Giải hạng Nhất quốc gia: Mong tránh nảy sinh tiêu cực

13:29, 24/05/2020

Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam vừa thống nhất chốt phương án tổ chức Giải vô địch quốc gia và hạng Nhất quốc gia 2020 với thể thức hoàn toàn mới mẻ, thay đổi 100% so với thể thức cũ.

Dưới góc nhìn chuyên môn, thể thức này có những ưu điểm, tuy nhiên cũng có những mặt trái mà Ban tổ chức cần tính đến để phòng ngừa, không để vấn nạn tiêu cực có thể nảy sinh.

Theo đó, với V-League 2020, 14 đội bóng sẽ tranh tài hết 13 vòng của lượt đi rồi phân thành 2 nhóm để tranh chức vô địch và tránh 1 suất xuống hạng. Cụ thể 8 đội đầu bảng sẽ thi đấu 7 vòng, phân hạng, tranh chức Vô địch, trong khi nhóm 6 đội cuối bảng sẽ thi đấu 5 vòng, tranh suất trụ hạng.

Tương tự, ở Giải hạng Nhất quốc gia (Giải đấu Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đang tranh tài), 12 đội sẽ thi đấu lượt đi, phân nhóm theo thể thức 6-6, tức là nhóm 6 đội dẫn đầu tranh suất lên hạng, 6 đội xếp nhóm sau thi đấu tránh 1 suất xuống hạng. Ngoài ra thay vì có 1,5 suất lên hạng thì năm nay Giải hạng Nhất quốc gia chỉ có đội Vô địch được lên hạng, tranh tài ở V-League 2021.

Các doanh nghiệp tài trợ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk.
Các doanh nghiệp tài trợ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk.

Có thể nói sự thay đổi thể thức thi đấu theo hướng rút ngắn thời gian như trên là khá hợp lý trong thời điểm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, bởi nếu vẫn áp dụng theo lịch thi đấu cũ thì cần có thời gian hơn 140 ngày mới kết thúc mùa giải vào cuối tháng 10. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của đội tuyển Việt Nam cũng như tạo gánh nặng tài chính cho các câu lạc bộ khi họ phải lo chi phí đi lại, hợp đồng thêm thời gian với cầu thủ. Chính vì vậy sau khi phân tích, nghiên cứu, thảo luận, đã có 14/15 thành viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam bỏ phiếu thông qua thể thức thi đấu mới, khi thể thức này cơ bản đáp ứng các tiêu chí: mật độ thi đấu được phân bổ khoa học, đảm bảo thời gian hồi phục thể lực, hạn chế tình trạng cầu thủ chấn thương; các đội bóng có thời gian nghỉ giữa giai đoạn, chủ động trong việc bổ sung lực lượng chuẩn bị tốt cho các giai đoạn tiếp theo…

Không phủ nhận những ưu điểm theo thể thức thi đấu mới, song đại diện các đội bóng ở cả Giải vô địch quốc gia và hạng Nhất quốc gia cũng bày tỏ những băn khoăn, lo ngại cả hai giải sẽ kém sức hấp dẫn, cạnh tranh so với các mùa giải trước. Cụ thể, nếu ở Giải vô địch Quốc gia, sau khi khép lại 13 lượt trận, đội đứng vị trí thứ Nhất cũng không có ý nghĩa gì, bởi sau khi chia nhóm 8 đội thì họ cũng phải buộc làm lại từ đầu (trong trường hợp điểm số của lượt này không tính chung vào lượt sau), vì vậy nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng các đội có khả năng tranh chấp chức vô địch chỉ đá “cầm chừng” để lọt vào tốp 8 đội, sau đó mới “bung” hết sức đá ở giai đoạn 2, thậm chí có khả năng xảy ra trường hợp "nhường điểm" cho các đội nhóm dưới đang chạy đua một suất lên nhóm trên.

Cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk chuẩn bị cho mùa giải mới.
Cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk chuẩn bị cho mùa giải mới.

Tương tự, với thể thức mới, ở giai đoạn 1 của Giải hạng Nhất quốc gia cũng sẽ kém hấp dẫn, bởi 6 đội xếp đầu vẫn phải thi đấu thêm 5 trận nữa để xác định ngôi vô địch và tranh suất lên hạng. Trong khi 6 đội đứng sau cũng phải thi đấu vòng tròn 5 trận để xác định suất xuống hạng. Vì vậy người hâm mộ dự đoán giai đoạn 1 của cả hai giải sẽ kém hấp dẫn mà chỉ thật sự khốc liệt ở giai đoạn 2. Một khả năng xấu nhất, mà những người quan tâm đến bóng đá lo ngại có thể xảy ra là các đội xếp ở nhóm tranh các suất trụ hạng song đã đủ điểm số an toàn trụ hạng, không còn mục tiêu cụ thể nữa sẽ thi đấu thiếu tích cực, hoặc nhường điểm cho các đội đang “khát” điểm trụ hạng.

Tất nhiên, khi đưa ra, áp dụng thể thức thi đấu khả thi nhất, Ban tổ chức chắc chắn đã tính đến những mặt trái để có phương án phòng ngừa, như: giám sát chặt chẽ các trận đấu, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh hiện tượng thi đấu thiếu tích cực; có hình thức kỷ luật nghiêm minh khi các đội vi phạm. Còn ở góc độ người trong cuộc, các đội bóng chắc hẳn sẽ không dại gì đánh mất hình ảnh mà mình đã cất công gây dựng nhiều năm trong lòng khán giả, bởi theo nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Nguyễn Xuân Hòa thì các đội bóng sẽ chẳng có lý do gì để “tự bắn vào chân mình” khi rơi vào vòng xoáy tiêu cực để khán giả cũng như nhà tài trợ quay lưng lại với đội bóng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.