Án phạt cấm thi đấu của FIFA và bài học đắt giá cho bóng đá
09:02, 09/08/2020
Thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam dậy sóng khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đưa ra án phạt cấm thi đấu trên toàn thế giới với 11 cầu thủ trẻ Đồng Tháp do tham gia cá cược và dính tiêu cực ở vòng loại U21 quốc gia .
Trước đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra án phạt đối với 11 cầu thủ này do liên quan đến hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc trong trận hòa 1-1 giữa hai đội Đồng Tháp và Vĩnh Long ở vòng loại U21 quốc gia với những mức phạt khác nhau.
Vụ việc những tưởng chỉ dừng lại, gói gọn trong phạm vi nội bộ, nhưng khi truyền thông đưa tin, FIFA đã có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn khi đưa ra những hình thức kỷ luật cao hơn. Cụ thể với 10 cầu thủ mà VFF kỷ luật ở mức cấm thi đấu 6 tháng trong nước thì bị FIFA cấm thi đấu 6 tháng trên toàn thế giới, còn 1 cầu thủ bị VFF cấm thi đấu 5 năm trong nước thì FIFA cấm thi đấu trên phạm vi toàn thế giới.
Có thể nói sự việc trên là nỗi buồn cho bóng đá nước nhà, bởi nỗ lực gây dựng hình ảnh cũng như những thành công liên tiếp trên các đấu trường khu vực trong những năm gần đây của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Chức vô địch SEA Games 30, ngôi vị Á quân U23 châu Á 2018, Vô địch AFF Cup 2018 sẽ phần nào bị lu mờ dưới góc nhìn của giới truyền thông và người hâm mộ thế giới sau “vết nhơ” do các cầu thủ trẻ gây ra.
Cầu thủ Đồng Tháp thi đấu tại vòng loại U21 quốc gia năm 2019. Ảnh minh họa: Internet |
Chắc hẳn người hâm mộ Việt Nam đều có tâm trạng buồn, nhưng đều thừa nhận rằng đó là án phạt, sự cảnh báo cần thiết, thể hiện động thái kiên quyết của FIFA với mục tiêu làm trong sạch môi trường bóng đá, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia thành viên nào của FIFA.
Nhìn xa hơn, án phạt nghiêm khắc mà FIFA đưa ra cũng chính là lời cảnh tỉnh, hồi chuông báo động cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, bởi lẽ các cầu thủ trẻ chính là tương lai, quyết định sự thành bại của bóng đá nước nhà, của các câu lạc bộ.
Chỉ cần minh chứng ở cấp độ Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tháp, khi mà toàn bộ 10 cầu thủ, trong đó có đến 8 cầu thủ được đăng ký danh sách thi đấu Giải hạng Nhất quốc gia bị cấm thi đấu đến hết tháng 11-2020 thì chắc chắn đội bóng này rơi vào tình trạng khủng hoảng lực lượng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến thành tích thi đấu. Kể cả trong trường hợp các cầu thủ này đã hết thời hạn kỷ luật, được vào sân thi đấu thì cũng đã đánh mất niềm tin của người hâm mộ, bởi cái “dớp” cá độ trong quá khứ của họ khiến khán giả luôn nghi ngờ, không biết trận đấu thật hay giả.
Đó chính là bài học đắt giá, không có cơ hội sửa chữa cho các cầu thủ trẻ, khi chỉ mải chạy theo sức hút của đồng tiền trước mắt mà đánh đổi cả tương lai, sự nghiệp. Hy vọng từ bài học đau lòng này, những người làm công tác quản lý, đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá nước nhà, của các câu lạc bộ cũng sẽ quan tâm hơn đến công tác đào tạo cầu thủ cả về chuyên môn và đạo đức, cả trong và ngoài sân cỏ.
Thảo Nhi
Ý kiến bạn đọc