Multimedia Đọc Báo in

Chuyện một gia đình thể thao

09:26, 27/10/2020

Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2020 vừa diễn ra, có một gia đình cả 4 cha con đến từ xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) cùng tham gia tranh tài.

Đó là anh Y Lút Niê cùng các con là Y Ruby Hđrue, Y Rubin Hđrue và H’Luýt Hđrue. Đây là một trong những gia đình thể thao hiếm hoi trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk.

 Là vận động viên gạo cội, thường xuyên góp mặt tranh tài từ Hội thi lần thứ I năm 1995, đến nay sau 15 lần hội thi, anh Y Lút Niê đã sưu tập cho mình một bảng thành tích khủng, trở thành nhà vô địch ở môn đẩy gậy liên tục trong 10 năm (1995 đến 2015), sau đó mới giã từ sân đấu, nhường sân chơi lại cho thế hệ trẻ, song vẫn tham gia tranh tài ở nội dung kéo co.

 

Vận động viên Y Rubin Hđrue (bên phải) trong một trận thi đấu.
Vận động viên Y Rubin Hđrue (bên phải) trong một trận thi đấu.

 

Ở bộ môn kéo co, anh Y Lút Niê cũng đoạt nhiều vinh quang khi cùng đội tuyển kéo co tỉnh Đắk Lắk giành hơn 30 huy chương các loại ở nhiều giải đấu. Gần đây nhất là Huy chương Vàng hạng cân 600 kg nam ở Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực 2 năm 2019 diễn ra tại tỉnh Đắk Nông.

Còn ở đấu trường khu vực, anh Y Lút Niê đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Giải vô địch kéo co Đông Nam Á được tổ chức tại Singapore năm 2010. Năm đó đội tuyển Đắk Lắk, trong đó có Y Lút, sau khi giành chức Vô địch tại Giải kéo co toàn quốc và vinh dự đại diện cho Việt Nam tham dự giải đấu ở tầm khu vực, ngay trong lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người” đã tạo nên cơn "địa chấn" khi vượt qua chính chủ nhà Singapore với tỷ số thuyết phục 2-0 để đoạt tấm Huy chương Vàng danh giá, mang vinh quang về cho đất nước. Được biết, ở bộ môn đòi hỏi sức mạnh tập thể, sự phối hợp ăn ý này, Y Lút Niê luôn được tín nhiệm, phân công đảm nhận vị trí cuối cùng, một trong những vị trí quan trọng, nhờ sở hữu thân hình vạm vỡ, sức khỏe hơn người. 

Tại hội thi năm nay, ngoài việc trực tiếp tham gia thi đấu ở môn kéo co, nội dung nam nữ phối hợp (đoạt Huy chương Bạc), anh Y Lút Niê đảm nhận vai trò huấn luyện viên, chỉ đạo 3 người con thi đấu môn đẩy gậy. Với kinh nghiệm "trận mạc", thi đấu ở nhiều giải, mấy năm qua anh chú ý truyền đạt những bí kíp, kỹ thuật, giúp các con tự tin, có nhiều cơ hội giành chiến thắng. “Trước khi dự hội thi khoảng 10 ngày, mình dành thời gian tập luyện, hướng dẫn các con tư thế, động tác cầm, đẩy gậy, nhất là kỹ thuật trụ thân mình chắc chắn trước khi lựa chọn thời điểm đẩy lùi đối thủ”, anh Y Lút Niê chia sẻ.

Nhờ đó con trai đầu của anh là Y Ruby Hđrue (SN 1998) ngay trong năm đầu tham dự hội thi 2019 đã đoạt Huy chương Đồng, đến năm 2020 xuất sắc vượt qua đối thủ mạnh Y Nhỡ Niê để đoạt Huy chương Vàng. Điều thú vị hơn là tại Giải vô địch kéo co toàn quốc 2019, Y Ruby và bố là đồng đội trong đội tuyển kéo co của tỉnh và đoạt Huy chương Vàng.

 

Anh Y Lút Niê chuẩn bị cho con trai Y Rubin Hđrue thi đấu.
Anh Y Lút Niê chuẩn bị cho con trai Y Rubin Hđrue thi đấu.

 

Người con trai thứ hai là Y Rubin Hđrue (SN 2000) cũng lần đầu đến với hội thi năm 2019, tranh tài ở môn đẩy gậy, hạng cân 75 kg và đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Còn năm nay, lá thăm may rủi đã đưa Y Rubin gặp ngay đối thủ mình từng chiến thắng trong trận chung kết năm trước là Chu Văn Long (huyện Buôn Đôn) từ vòng ngoài và bị đối thủ này loại. Tuy thất bại, song theo nhận định của anh Mai Sỹ Hoàn, phụ trách đội tuyển kéo co, đẩy gậy của tỉnh thì đây là gương mặt rất triển vọng, nằm trong đội hình, đại diện cho Đắk Lắk tham dự các giải đẩy gậy toàn quốc trong tương lai.

Còn với cô con gái duy nhất H’Luýt Hđrue (SN 2002) thì chỉ mới lần đầu dự hội thi với mục tiêu giao lưu, học hỏi chứ chưa có nhiều kinh nghiệm. Song sức trẻ, niềm đam mê môn thể thao truyền thống của dân tộc, cùng với sự “truyền lửa” từ người cha, tin tưởng H’Luýt Hđrue sẽ là vận động viên, tiếp nối, kế tục truyền thống thể thao của cha anh trong tương lai.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.