Multimedia Đọc Báo in

Gần 2.000 người chết vì bạo loạn Kyrgyzstan

19:52, 19/06/2010
Tổng thống lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva cho biết số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ sắc tộc ở miền nam nước này gấp 10 lần con số đã công bố.
Quan chức y tế Kyrgyzstan trước đó cho biết trong các cuộc đụng độ sắc tộc ở miền nam có 191 người chết và 1.971 người bị thương. Tuy nhiên, bà Otunbayeva cho rằng số người chết phải gấp 10 lần con số đã công bố khi bà tới thành phố Osh lần đầu tiên sau bạo động hôm 18 - 6. Bà cũng thêm rằng con số giới chức đưa ra không bao gồm những người được chôn trước lúc mặt trời lặn theo truyền thống của đạo Hồi.
Người dân Kyrgyzstan đau buồn trước cảnh đổ nát hoang tàn
Người dân Kyrgyzstan đau buồn trước cảnh đổ nát hoang tàn
Một phần của thành phố 250.000 dân này giờ đây chỉ còn là những đống tro bụi sau khi nhiều thanh niên Kyrgyzstan phóng hỏa, đốt nhà và nơi kinh doanh của người Uzbekistan.  Bầu không khí tang thương ngập tràn thành phố Osh và Jalalabad trong những ngày này. Những gia đình mất người thân vẫn chưa hết bàng hoàng, trong khi các gia đình có nhà cửa bị đốt phá phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
Xe buýt chật ních người khi chuẩn bị đi từ thành phố Osh miền nam Kyrgyzstan tới Uzbekistan
Xe buýt chật ních người khi chuẩn bị đi từ thành phố Osh miền nam Kyrgyzstan tới Uzbekistan

Bạo loạn bùng nổ ở Osh hôm 11-6 và lan tới thành phố Jalal-Abad. Ước tính của Liên hiệp quốc cho biết khoảng 400.000 người, phần lớn là người dân tộc Uzbek, đã bỏ chạy khỏi miền nam Kyrgyzstan. Khoảng 100.000 người đã vượt biên giới sang nước Uzbekistan láng giềng, tại đó họ được cấp nước và thức ăn. Hàng nghìn người vẫn còn cắm trại ở biên giới phía Kyrgyzstan vì chính phủ Uzbekistan hạn chế người qua nước họ.
Sự đối đầu giữa người Kyrgyzstan và người Uzbekistan thiểu số ở miền nam Kyrgyzstan đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, giới chức Kyrgyzstan khẳng định bạo loạn là do tay chân của tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev tiến hành. Liên hiệp quốc cho hay bạo động tại quốc gia Trung Á là có tổ chức song không lên tiếng đổ lỗi cho bên nào. Đây là cuộc khủng hoảng sắc tộc đẫm máu nhất tại Kyrgyzstan kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc