Bao giờ mới có hòa bình cho Afghanistan?
Tính đến ngày 7-10-2010 là tròn 9 năm Mỹ đưa quân vào Afghanistan. Đến nay, sau 9 năm với những thay đổi về mặt chiến lược từ phía Mỹ, câu hỏi thường trực vẫn là “bao giờ Afghanistan mới có một nền hòa bình thực sự”?
Mỹ và NATO chỉ mất vài tuần để lật đổ phe Taliban sau khi đưa quân vào Afghanistan. Nhưng đã mất đến 9 năm và còn hơn thế nữa mà vẫn chưa bình ổn được tình hình Afghanistan. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, hôm 29-8 vừa qua, trong buổi nói chuyện với hàng trăm giáo viên và học sinh tại một trường cấp ba ở Kabul về những vấn đề mà đất nước đang gặp phải, đã không kìm được nước mắt khi nhấn mạnh “Con cái chúng ta không thể đến trường vì những vụ đánh bom liều chết. Các giáo viên không thể đứng lớp vì các vụ chạm súng ngoài phố và những lời dọa giết”.
Thực tế này cũng được Tư lệnh các lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, tướng David Patraeus, ngày 31-8 vừa qua, thừa nhận khi cho rằng, lực lượng Taliban đang mở rộng “dấu chân” ở khắp Afghanistan, đặc biệt là tới cả khu vực miền Bắc ổn định trước đây.
Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan được Tổng thống Mỹ điều chỉnh từ tháng 12-2009. Với việc ông Obama quyết định bổ sung 30.000 binh sĩ để duy trì an ninh tại một số thị trấn và địa điểm trọng yếu chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, trước khi chuyển giao các nhiệm vụ quân sự cho chính quyền Kabul, cùng với đó là sự khích lệ chính quyền của ông Hamid Karzai xúc tiến hoà đàm với Taliban, vẫn chưa thể mang lại sự ổn định hơn.
Cuộc chiến tại Afghanistan đã gây nhiều tổn thất cho binh lính Mỹ. (Ảnh: Internet) |
Afghanistan hầu như không có sự cải thiện đáng kể gì về kinh tế, xã hội, nạn tham nhũng đến nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Phần lớn người dân Afghanistan vẫn sống trong nghèo khổ, tỷ lệ người mù chữ chiếm tới 30% dân số. Bạo lực diễn ra thường xuyên mà nạn nhân phần lớn là thường dân (3.268 người thương vong trong vòng 6 tháng đầu năm 2010, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2009 - theo báo cáo của Phái bộ LHQ tại Afghanistan), chưa kể các cuộc không kích nhầm của quân NATO vào dân thường, khiến tâm lý chống lại sự có mặt của liên quân nước ngoài tăng lên, là mảnh đất tốt cho Taliban và lực lượng chống Mỹ reo rắc thù hận và bất mãn.
Cuộc chiến sau khi Mỹ tăng quân, cũng trở nên khốc liệt hơn đối với liên quân do Mỹ đứng đầu. 9 tháng qua, số binh sĩ liên quân chết và bị thương ở Afghanistan lên tới gần 500 người, so với tổng số 521 trong cả năm 2009. Còn từ khi NATO và Mỹ thực hiện dần kế hoạch đưa quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan lên vị trí “đứng mũi chịu sào” để có thể rút dần quân đội của họ như đã định, chỉ trong vòng 6 tháng của năm 2010, đã có 2.000 cảnh sát Kabul bị thương vong bởi các cuộc tấn công của Taliban. Đó là những thiệt hại về người, những hệ luỵ về chính trị thì không thể đong đếm được.
Con số thương vong của liên quân cùng với những bước tiến chậm chạp của chính quyền Kabul đã làm giảm sự ủng hộ của công chúng ở các nước NATO đối với cuộc chiến tại quốc gia Nam Á này. Canada, Hà Lan và Ba Lan đã thông báo kế hoạch rút quân, trong khi Anh cũng muốn rút quân khỏi Afghanistan trong vòng 5 năm tới. Còn với Mỹ, ngày càng có nhiều người cảm thấy cuộc chiến tại Afghanistan có hại cho nước Mỹ hơn là có lợi.
Lối thoát nào cho cuộc chiến tại Afghanistan - cuộc chiến đã ngốn của Mỹ 100 tỷ USD mỗi năm? Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố chiến lược mới của Mỹ dường như đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhưng thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại. Chẳng thế mà trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố quân đội Mỹ sẽ ở lại Afghanistan “cho đến khi công việc hoàn tất”, bất chấp cam kết của ông vào tháng 7-2011 sẽ rút một số lực lượng chiến đấu của Mỹ ra khỏi chiến trường này.
Còn tướng David Petraeus cũng hạ thấp triển vọng Mỹ rút quân chóng vánh trong năm tới và tái khẳng định rằng mục tiêu rút quân vào tháng 7-2011 chỉ là “thời điểm bắt đầu quá trình”. Quá trình đó kéo dài bao lâu là điều không thể xác định. Chỉ biết rằng, bất chấp việc Mỹ và các đồng minh phương Tây dồn binh lực, tiền của vào Afghanistan, bài toán bình ổn vẫn là một thách thức hiện hữu.
Ý kiến bạn đọc