Multimedia Đọc Báo in

FAO kêu gọi tăng sản lượng lương thực thế giới

07:00, 17/10/2010

Ngày 16-10, đại diện các quốc gia thành viên Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã tham dự buổi lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới với chủ đề "Đoàn kết chống nạn đói" tại Rome (Italy).

Phát biểu tại buổi lễ này, ông Jacques Diouf, Tổng Giám đốc FAO đã kêu gọi tăng sản lượng lương thực thế giới để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Ông khẳng định với chủ đề trên, vấn đề an ninh lương thực không phải là trách nhiệm của riêng một tổ chức nào, mà là của tất cả. Hiện nay, mặc dù lượng lương thực cung cấp cho toàn cầu khá nhiều, triển vọng kinh tế tốt hơn và giá lương thực rẻ hơn nhưng nạn đói vẫn còn xảy ra liên tục. Trên toàn thế giới hiện vẫn còn 925 triệu người bị thiếu đói triền miên, tuy con số này đã giảm đáng kể so với năm ngoái, nhưng vẫn cao ở mức không thể chấp nhận được. Thêm vào đó, thế giới còn có 100 quốc gia cần trợ giúp khẩn cấp để tạo dựng lại khả năng sản xuất nông nghiệp và 30 quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực. Để bảo đảm an ninh lương thực, theo ông Diouf, cần gia tăng sản lượng lương thực thế giới thêm 70% và tăng gấp đôi tại các quốc gia đang phát triển mới đủ cung cấp lương thực cho dân số toàn cầu, dự tính sẽ tăng đến 9,1 tỷ người vào năm 2050.

Trong lễ kỷ niệm này, FAO đã bổ nhiệm 4 đại sứ thiện chí nhằm nâng cao nhận thức về cuộc chiến chống đói nghèo. Các đại sứ thiện chí mới của FAO gồm diễn viên người Italy Raoul Bova, ca sỹ người Canada Céline Dion, ca sỹ người Philippines Lea Salonga và nghệ sỹ Mỹ Susan Sarandon.

 

Nạn đói luôn đe dọa các nước châu Phi. Ảnh: Internet
Nạn đói luôn đe dọa các nước châu Phi. Ảnh: Internet

Cũng theo một báo cáo của FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mới đây, hiện có khoảng 166 triệu người tại 22 nước đang phải sống trong cảnh thiếu ăn triền miên và đây là hậu quả của các cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài. Chiến tranh, thiên tai và thể chế yếu kém là những tác nhân gây ra tình trạng thiếu đói tại các quốc gia trên, trong đó có Afghanistan, Haiti, Iraq, Somalia và Sudan. Tại những nước này, tỷ lệ người thiếu ăn cao gấp ba lần so với các nước đang phát triển khác.

FAO và WFP cho rằng một nước bị coi là lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài khi cuộc khủng hoảng đó kéo dài ít nhất trong tám năm và viện trợ nhân đạo chiếm tới hơn 10% tổng viện trợ nước ngoài cho nước này.

Báo cáo trên khuyến cáo để hỗ trợ những nước bị liệt vào danh sách "đen" này sớm thoát khỏi nạn đói, cộng đồng quốc tế cần điều chỉnh chính sách viện trợ theo hướng lâu dài hơn. Cụ thể là chú trọng tới viện trợ lương thực có mục tiêu với trọng tâm không chỉ nhằm vào việc cứu trợ khẩn cấp mà còn phải đưa ra các những giải pháp dài hạn hơn như cung cấp các bữa ăn học đường, triển khai các chương trình đổi lương thực lấy công việc. Ngoài ra, kích thích các thị trường cũng là một biện pháp dài hạn thông qua việc mua lương thực dành cho viện trợ từ các nhà cung cấp địa phương.

Trong danh sách các nước chịu khủng hoảng lương thực kéo dài của Liên hợp quốc còn có Angola, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Congo, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Ethiopia, Guinea, Cote d’ Ivoire, Kenia, Liberia, Sierra Leone, Tajikistan, Uganda và Zimbabwe.

Hải Như ( nguồn: TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc