Multimedia Đọc Báo in

Nước Pháp vẫn tiếp tục căng thẳng

15:17, 23/10/2010
Cho đến nay tình hình căng thẳng ở Pháp chưa thấy có dấu hiệu sớm chấm dứt khi các nghiệp đoàn vẫn kêu gọi người lao động tiếp tục đấu tranh, còn chính phủ kiên quyết thúc đẩy thông qua kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.
Ngày 21-10, một ngày trước khi Thượng viện Pháp thông qua kế hoạch cải cách do chính phủ đề xướng, sáu tổ chức công đoàn lớn ở nước này đã kêu gọi người lao động tiếp tục tham gia hai "ngày hành động toàn quốc" vào ngày 28-10 và 6-11, nhằm gây sức ép với chính phủ xung quanh kế hoạch gây tranh cãi nói trên. Trong một tuyên bố được phát trên đài phát thanh RMC, Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động CGT (tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp), Bernard Thibault, cho biết các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh nếu chính phủ không có những nhân nhượng với người lao động.
Người biểu tình đốt lốp xe tại lối vào nhà máy lọc dầu Grandpuits của hãng Total
Người biểu tình đốt lốp xe tại lối vào nhà máy lọc dầu Grandpuits của hãng Total
Trong khi đó, Chính phủ Pháp vẫn tỏ rõ thái độ kiên quyết thúc đẩy để kế hoạch cải cách thành hiện thực. Chính phủ khẳng định đó là một biện pháp "chìa khóa" để có thể bảo đảm hệ thống lương hưu tồn tại lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn tài chính hiện nay của nước Pháp. Phát biểu với các quan chức địa phương trong chuyến công du miền Trung nước Pháp ngày 21-10, Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ trừng phạt những phần tử lợi dụng biểu tình để gây bạo loạn và phản đối việc tiến hành bãi công làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như các hoạt động đời sống ở Pháp. Lời tuyên bố này của ông Sarkozy được đưa ra trong khi làn sóng bãi công và biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố và địa phương. Công nhân và sinh viên tiếp tục chặn các điểm cung cấp nhiên liệu và các trung tâm giao thông tại các thành phố lớn.
Thị trưởng các thành phố ở Pháp mang túi đựng đơn kiến nghị, phản đối việc cải cách chế độ trợ cấp, hưu trí đến Điện Elysee
Thị trưởng các thành phố ở Pháp mang túi đựng đơn kiến nghị, phản đối việc cải cách chế độ trợ cấp, hưu trí đến Điện Elysee
Cùng ngày, nhà chức trách ở một số địa phương đã phải sử dụng biện pháp "phân bổ chỉ tiêu" cung cấp xăng dầu cho các xe tải và xe ôtô con. Cảnh sát chống bạo động Pháp cũng đã chiếm lại quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu chính ở phía đông Paris, một trong 12 nhà máy bị người biểu tình phong tỏa hơn 10 ngày qua khiến nguồn cung cấp nhiên liệu ở Pháp bị đình trệ. Khoảng 100 cảnh sát được huy động tới nhà máy lọc dầu Grandpuits cùng một quan chức địa phương, người cho biết đã nhận lệnh mở cửa lại nhà máy. Đại diện công đoàn Pháp cho rằng chiến dịch của cảnh sát là "bê bối", vì họ hành động vào nửa đêm khi số người biểu tình khá mỏng. Cảnh sát sau đó đụng độ với những người biểu tình, khi những người này cố dựng lại chướng ngại vật tại lối vào nhà máy Grandpuits, nhằm ngăn không có các công nhân được trưng dụng từ nơi khác tới làm việc. Đây là nhà máy lọc dầu nằm gần thủ đô Paris nhất và được coi là huyết mạch trong việc cung cấp nhiên liệu cho thành phố, cùng hai sân bay Orly và Charles de Gaulle.
Thượng viện Pháp ban đầu dự kiến biểu quyết về dự luật trên trong ngày 21-10, song các cuộc tranh luận nảy lửa vẫn tiếp tục kéo dài sang ngày 22-10.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc