Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh vụ giải cứu 33 thợ mỏ Chile

17:48, 15/10/2010
Đúng 3 giờ 33 phút sáng 14-10 (GMT), anh Manuel González - đội trưởng đội giải cứu 33 thợ mỏ bị kẹt sau vụ sập hầm tại Copiapó, Chile đã lên mặt đất an toàn, chính thức khép lại một chiến dịch giải cứu hoàn hảo.
Dưới đây là một số chi tiết thú vị về cuộc giải cứu này:
69 ngày trong lòng đất
Các thợ mỏ bị mắc kẹt dưới hầm mỏ San Jose trước khi được giải cứu
Các thợ mỏ bị mắc kẹt dưới hầm mỏ San Jose trước khi được giải cứu

Đó là quãng thời gian tồn tại dưới sâu lòng đất dài nhất của con người được ghi nhận cho tới nay. Trong 17 ngày đầu kể từ sau khi xảy ra vụ sập hầm (5-8) trước khi bắt được liên lạc với trên mặt đất, mỗi người trong số 33 thợ mỏ chỉ ăn trung bình trong vòng 48 tiếng hai thìa cá thu hộp, một nửa cốc sữa và một nửa chiếc bánh quy, và họ cùng chia sẻ nhau một giỏ đào may mắn dự trữ được. Sau khi bắt được liên lạc, nhóm 33 người bắt đầu tiếp nhận nước khoáng, đồ ăn lỏng, thuốc. Tuy nhiên khẩu phần của họ không được vượt quá 2.200 calo/ngày để tránh tăng cân. Tín hiệu đầu tiên của những người thợ mỏ được ghi nhận vào ngày 22-8 khi những người trên mặt đất nghe thấy một số tiếng đập vào búa mũi của một máy khoan dò. Ngạc nhiên hơn là sau đó nhóm khoan tìm đã tìm thấy một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ đỏ "Chúng tôi 33 người vẫn sống tại khu trú ẩn." Sau đó các chuyên gia cứu hộ đã đưa được ống nhựa nhỏ xuống để lấy thư từ những người thợ mỏ, để phần nào giảm bớt lo lắng từ thân nhân họ. Tiếp đó, đường dây liên lạc bằng cáp quang được thiết lập để các thợ mỏ có thể nói chuyện điện thoại và đàm thoại có hình. Cuối cùng mỗi thợ mỏ được trang bị một thắt lưng sinh trắc giúp những người trên mặt đất nắm rõ được tín hiệu sống của từng người.
 
Về mặt sinh hoạt, sau khi bắt được liên lạc, những người thợ mỏ đều ăn 5 bữa ăn một ngày. Hệ thống đường dây điện 500W được kết nối dưới đường hầm cùng với một số bóng đèn chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng này được bật ban ngày và tắt ban đêm để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực. Những người thợ mỏ cũng tập thể dục theo các bài tập được chuyên gia trên mặt đất hướng dẫn để tránh teo cơ. Nhóm 33 thợ mỏ cũng chia ca để giúp công tác dọn dẹp những đất đá rơi xuống sau mỗi mũi khoan và dành thời gian cho các trò giải trí. Mặc dù ở cách mặt đất 700m song 33 thợ mỏ vẫn có một máy chiếu nhỏ để xem tường thuật một số trận đá bóng cũng như băng video về các trận đấu của vua bóng đá Pele và Maradona. Họ cũng được nghe nhạc, được nhận một số nhật báo. Một số còn nhận được cả Kinh thánh và kẹo. Những người thợ mỏ đã nhận được một món quà có ý nghĩa nhất là một máy quay phim có độ phân giải cao để ghi lại quãng thời gian đáng nhớ. Ngoài ra một nhóm nghệ sỹ hài Chile đã gửi một băng hình tiểu phẩm hài hay nhất để giúp 33 người thợ giữ vững tinh thần lạc quan. Câu lạc bộ Real Madrid và cầu thủ David Villa của Tây Ban Nha cũng đã gửi áo thi đấu của mình cho những người thợ mỏ này.
Báo chí thế giới với cuộc giải cứu
Luis Urzua, người thợ cuối cùng lên mặt đất ôm chầm lấy người thân. Ảnh: AFP.
Luis Urzua, người thợ cuối cùng lên mặt đất ôm chầm lấy người thân. Ảnh: AFP
Cuộc giải cứu đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình từ Mỹ đến châu Âu và Trung Đông. Tại hiện trường, có hơn 1.000 nhà báo đến theo dõi đưa tin. Những bức ảnh tràn ngập niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt trên những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của các thợ mỏ Chile vừa trải qua những thời khắc đáng nhớ khi được trở lại với cuộc sống đời thường cùng dòng tít đầy ấn tượng về sứ mạng giải cứu có một không hai này tràn ngập trang nhất các báo hàng đầu thế giới số ra ngày14-10.
“Không ai nghĩ người đàn ông mắc kẹt 69 ngày dưới hầm mỏ sẽ mang quà lên. Nhưng chỉ giây lát saukhi ra khỏi khoang cứu hộ, Mario Sepulveda, 39 tuổi, thò tay vào chiếc túi màu vàng và lôi ra những cục đá, quà cho những người cứu hộ", tờ Sydney Morning Herald viết. Tờ Sun của Anh gọi anh là "Super Mario" và nhắc đi nhắc lại rằng Mario là cây hài của nhóm. Tờ báo này đăng tải bài viết chính dưới tiêu đề "Lên, lên, lên rồi" trong khi nhiều tờ khác như New York Times cập nhật liên tục tít bài mỗi khi một người thợ nữa được đưa lên mặt đất. Các tờ báo in ở châu Âu hết hạn duyệt bài khi một phần trong số 33 người được cứu, nhưng nhiều tờ tiếp tục cập nhật trực tiếp qua blog của họ. "José Ojeda là người thứ 7 được giải cứu. Anh vẫy quốc kỳ Chile dính đầy bùn đất. Anh thật bình tĩnh và sau đó nở nụ cười tươi rồi ôm lấy cô con gái riêng của vợ", blog của tờ Guardian viết. Khi người thứ 8 lên mặt đất, tờ Spiegel của Đức giật tít "Phép màu nơi sa mạc" còn tờ La Tribune của Pháp đưa tin về vụ giải cứu ở vị trí số hai, trong khi nước này đang có cuộc biểu tình rầm rộ. Tờ El Mundo của Tây Ban Nha đăng ảnh đen trắng của 33 thợ mỏ và khi mỗi người lên mặt đất, ảnh của họ chuyển sang màu dưới dòng tít "Chào mừng trở lại cuộc sống". Báo chí Astralia nhắc lại vụ hai thợ mỏ nước này mắc kẹt dưới mỏ vàng sâu gần 1 km suốt hai tuần ở Tasmania cách đây 4 năm. Hai người thợ, Todd Russell và Brant Webb xuất hiện như những người hùng sau khi được giải thoát nhưng kể từ đó phải vật lộn để sống tiếp. "Những người Chile này sẽ phải quên dần (chuyện này) đi, bởi nếu không (các suy nghĩ về biến cố đó) sẽ tích tụ nó như quả bom nổ chậm và có thể làm tan vỡ hôn nhân, gia đình và cuối cùng là chính bản thân họ", Webb phát biểu trên Sky News. Tờ Times Live của Nam Phi gọi những người thợ mỏ này là anh hùng với dòng tít: "Cả thế giới nín thở vì những người hùng Chile".
Những nguyên nhân làm nên thành công chiến dịch giải cứu
Không ngại chi tiêu: Chính phủ Chile thuê 3 công ty khoan để đẩy nhanh cơ hội giải cứu. Codelco, công ty sản xuất đồng của nhà nước đảm nhận chiến dịch giải cứu chi 15 triệu USD. Một công ty khai thác mỏ tự nguyện cung cấp áo ấm cho gia đình các thợ mỏ đến hiện trường cầu nguyện cho người thân. Các công ty điện thoại cung cấp miễn phí dịch vụ điện thoại di động cho các gia đình thợ mỏ bị nạn, công nhân và phóng viên tác nghiệp, chính phủ Chile thiết lập mạng wifi tại địa điểm giải cứu. Ngư dân từ miền Nam Chile cung cấp hàng ngàn ký fillet cá cho thợ mỏ.
Sự tích cực của chính phủ: Chính phủ đã kiên quyết giải cứu các thợ mỏ bằng mọi giá. Tổng thống Sebastian Pinera thường xuyên thăm địa điểm giải cứu và chào đón mọi sáng kiến trợ giúp kỹ thuật. Bộ trưởng Khai thác mỏ Laurence Golborne trải qua nhiều đêm với gia đình các thợ mỏ tụ tập bên ngoài hầm mỏ, giải thích với họ về các kế hoạch giải cứu. Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich cũng là bác sĩ phẫu thuật trực tiếp theo dõi tình trạng sức khỏe của các thợ mỏ và chương trình dinh dưỡng.
Thiết bị hiện đại: Công nghệ giải cứu do Mỹ hỗ trợ. Kỹ thuật khoan tiến bộ những năm gần đây của các công ty khai thác dầu của Mỹ. Kỹ thuật này đã cho phép các nhân viên kỹ thuật trên mặt đất hướng dẫn khoan chính xác đường cứu hộ xuống hầm mỏ cũng như các vị trí để thiết lập thông tin liên lạc với phía dưới, cung cấp nhu yếu phẩm.
Các thợ mỏ có tổ chức: Sau khi có tin các thợ mỏ vẫn còn sống, Tổng thống Chile Sebastian Pinera không gọi đó là sự nhiệm màu mà cho rằng do họ có sức khỏe và được tổ chức tốt. Ông Luis Urzua, nhóm trưởng kíp trực của các thợ mỏ chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm cho các thợ mỏ, phân phối từng muỗng cá ngừ đại dương cho từng công nhân mỗi 2 ngày. Họ cũng tổ chức tốt các công việc điều hành máy và nổ mìn tạo khoảng trống cho việc cứu hộ dễ dàng.
Nỗ lực của gia đình các thợ mỏ: Ngay sau khi được tin các thợ mỏ còn sống, tất cả các gia đình của họ kéo tới địa điểm. Họ không ngừng gây áp lực để các cơ quan chính phủ, các nhà lãnh đạo khẩn cấp có biện pháp cứu các thợ mỏ bằng mọi giá. Họ cũng luôn dành những lời động viên cho các thợ mỏ.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc