Multimedia Đọc Báo in

Vì sao nước Anh chìm trong bạo loạn?

16:33, 14/08/2011

Tiếp theo London và Birmingham, làn sóng đập phá hôi của đã lan đến các thành phố khác như Manchester, Nottingham, Liverpool... đẩy nước Anh chìm vào vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều năm qua trên quy mô quốc gia.

Đêm 9-8, London bắt đầu yên tĩnh trở lại sau 3 đêm bạo loạn bùng phát từ khu Tottenham. Sự hiện diện của 16.000 nhân viên an ninh trên đường phố khiến thủ đô nước Anh có dấu hiệu đã được kiểm soát. Cảnh sát đô thành London đã bắt giữ tổng cộng 685 người làm loạn, nhưng máu vẫn đổ khi một thanh niên 26 tuổi bị bắn chết trong xe ở khu Croydon hôm 9-8.

Tuy nhiên, bất ổn lại đang lan sang các thành phố lớn khác như Manchester, Salford, Liverpool, Wolverhampton, Nottingham, Leicester và Birmingham với các cửa hiệu bị đốt phá và hôi của. Có 47 người bị bắt tại Manchester và Salford, nơi đám đông thanh niên đốt phá nhà cửa và xe cộ, trong khi tại Liverpool, cảnh sát đã bắt giữ 35 người. Tại Birmingham, lực lượng chống bạo động bao vây khu mua sắm Mailbox sau vụ đập phá tại đây hôm thứ hai.

Thủ tướng Anh David Cameron phải cắt ngắn kỳ nghỉ tại Italia để về nước họp khẩn cùng nội các và gặp chỉ huy cảnh sát đô thành London bàn về tình hình bất ổn. BBC dẫn lời ông tuyên bố với những người nổi loạn đa phần là thanh niên: “Các anh sẽ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Và nếu các anh đã đủ lớn để gây ra những tội ác này thì các anh cũng đủ lớn để đối mặt với sự trừng phạt".

Nhiều cửa hàng bị đốt phá trong vụ bạo động.    (nguồn: Internet)
Nhiều cửa hàng bị đốt phá trong vụ bạo động. (nguồn: Internet)
Hiệp hội các nhà bảo hiểm Anh cho biết, thiệt hại từ làn sóng bạo loạn nổ ra từ đêm thứ bảy tuần trước sẽ khiến các hãng bảo hiểm mất "hàng chục triệu bảng" chỉ riêng tại London. Cảnh tan hoang của các cửa hàng và xe cộ bị đốt cháy trên phố không chỉ có ở Tottenham mà còn xuất hiện tại các khu vực khác của London như Hackney, Croydon, Clapham, Peckham, Lewisham và Ealing.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làn sóng bạo loạn tại Anh là từ cái chết của một người lái taxi da màu 29 tuổi tên là Mark Duggan, hôm 4-8 tại Tottenham, London. Sau cuộc điều tra ban đầu, cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước và bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Các nhân chứng cho biết, nạn nhân bị cảnh sát tạm giữ và dù đã phục tùng yêu cầu của cảnh sát nhưng vẫn bị bắn chết.

Đây chính là nguyên nhân khiến người nhà của người đàn ông có 4 con nhỏ này nổi giận và đi đòi công lý. Thân nhân của Duggan cùng nhiều người địa phương đã kéo đến đồn cảnh sát ở Tottenham đòi có câu trả lời về cái chết. Trước sự im lặng của cảnh sát, đám đông bắt đầu trút cơn giận bằng cách đốt phá xe cảnh sát, châm ngòi cho đợt bạo động tồi tệ trên khắp nước Anh.

Vụ điều tra về cái chết của Duggan chưa có kết luận cuối cùng, nhưng đây tiếp tục là một vết đen của cảnh sát đô thành London sau một loạt bê bối gần đây. Mới nhất là vụ các chỉ huy cao cấp phải từ chức vì vụ nghe lén của báo News of the World. Cảnh sát London cũng dính tới một số vụ làm chết người vô tội, nổi bật là vụ bắn chết người thợ điện gốc Brazil Charles de Menezes năm 2005, khiến dư luận nổi giận và tư lệnh cảnh sát đô thành London bị mất chức.

Báo chí Anh mô tả những ngày qua là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng một phần tư thế kỷ ở nước này. Nguyên nhân sâu xa cho sự bất ổn ở Anh là các vấn đề xã hội và cộng đồng vốn âm ỉ từ lâu. Các nhà xã hội học cho rằng một bộ phận giới trẻ các thành phố Anh bị tách khỏi sinh hoạt của cộng đồng chung và có quá nhiều thời gian thừa thãi. Bên cạnh đó là nạn thất nghiệp cao và tình trạng các gia đình không kiểm soát được con cái đã khiến bất ổn phát sinh "từ nhà ra phố".

Đại đa số những người tham gia bạo loạn ở London và các thành phố khác là thanh thiếu niên và hầu hết số bị bắt cũng nằm trong lứa tuổi này. Nhiều trẻ em từ 12 đến 13 tuổi cũng tham gia các vụ hôi của trên đường phố. Các thiếu niên này còn sử dụng điện thoại di động và các trang xã hội trên Internet để hô hào nhau đi làm loạn và khoe những thứ cướp được như chiến lợi phẩm.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguyên nhân của bạo loạn ở Anh bắt nguồn từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Một trong những người có quan điểm này là cựu thị trưởng London Ken Livingstone. Hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo tại những đô thị lớn, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát.

Theo VnExpress

Ý kiến bạn đọc