Libya - “miếng mồi” của chủ nghĩa cơ hội quốc tế
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, các cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libya những ngày qua nhuốm màu “chia chác” hơn là nhằm tái thiết Libya. Đất nước Bắc Phi tươi đẹp này trở thành đống đổ nát hoang tàn sau một cuộc nội chiến khốc liệt và để khắc phục hậu quả của nó phải mất hàng chục năm nữa.
Trong tuần qua, những diễn biến có tính bước ngoặt tại Libya là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Số phận của nhà lãnh đạo Gaddafi và Chính phủ của ông gần như đã được định đoạt. Lực lượng đối lập, với sự giúp sức của các nước phương Tây đang ngày càng khép chặt vòng vây đối với ông và nhanh chóng tìm cách thiết lập chính quyền mới. Tuy vậy, khó mà dự đoán được Libya sẽ đi về đâu? Chính bởi vậy, quốc gia bị nhấn chìm bởi chiến tranh, bất ổn này đã và đang trở thành “miếng mồi” của chủ nghĩa cơ hội quốc tế.
Có thể nói, cuộc chiến tại Libya chỉ thực sự kết thúc khi số phận nhà lãnh đạo Gaddafi trở nên rõ ràng. Vào lúc này, lực lượng nổi dậy đang nỗ lực “vây bắt” ông Gaddafi, và với sự hỗ trợ “tối đa” từ bên ngoài, có lẽ việc tìm ra ông Gaddafi chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tình thế của nhà lãnh đạo Gaddafi là minh chứng rõ nhất cho một sự thật đang xảy ra ở nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi: Các cá nhân cầm quyền trong thời gian dài đang dần dần bị tước mất quyền lực. Cho dù nhà lãnh đạo Gaddafi đã duy trì quyền lãnh đạo tới 42 năm, nhưng do chính quyền của ông không xử lý kịp thời những mâu thuẫn nội bộ sâu sắc về chính trị - xã hội - dân tộc, vì vậy đã để xảy ra xung đột, tạo cớ để các thế lực quốc tế can thiệp.
Tuy nhiên, đất nước và nhân dân Libya có lẽ đã phải trả một giá quá đắt cho sự thay đổi này. Nếu đặt lên bàn cân những thứ “được và mất”, chắc hẳn người dân Libya, cũng như nhân dân toàn thế giới không khỏi xót xa khi đất nước Bắc Phi tươi đẹp này trở thành đống đổ nát hoang tàn sau một cuộc nội chiến khốc liệt. Phải hàng chục năm nữa, với vô số tiền đầu tư (có lẽ từ tiền bán dầu mỏ), may ra Libya mới có thể khôi phục cơ sở hạ tầng bằng thời điểm trước nội chiến.
Hầu hết các quốc gia và tổ chức “có máu mặt” đều tuyên bố sẽ hỗ trợ tích cực cho Libya trên con đường phục hồi dưới sự lãnh đạo của Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC). Tuy nhiên, hầu hết các nước hậu thuẫn cho sự thay đổi ở Libya đều đang gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mang lại. Bởi thế, sẽ không có nhiều tiền để cho không và cũng không nên hy vọng họ có thể cho không ai cái gì.
Libya sau cuộc chiến chắc chắn sẽ chưa yên bình. (nguồn: Internet) |
Còn nhớ, khi NATO không kích Libya, các tuyên bố của Mỹ và phương Tây đều cho rằng, kế hoạch đó không liên quan gì đến vấn đề dầu mỏ. Song người ta thật ngạc nhiên vì cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, nhưng cuộc đua giữa các tập đoàn năng lượng đã thực sự bắt đầu. Trong khi Ngoại trưởng Italy Franco Frattini tuyên bố công ty dầu mỏ Eni SpA của nước này “sẽ đóng vai trò số 1” ở Libya, Tập đoàn BP của Anh cũng cam kết trở lại Libya ngay khi tình hình cho phép. Riêng Pháp thì mời hẳn lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya sang Paris để “bàn bạc”.
Để giành thế thượng phong, lực lượng đối lập tại Libya đã dựa vào sức mạnh của NATO bao nhiêu, thì khi kịch đã hạ màn, họ sẽ phải chịu sự phụ thuộc vào các “nhà bảo trợ” bấy nhiêu. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp được hình thành một cách vội vã, thiếu ổn định, tập hợp đủ các thành phần nên thiếu thống nhất, lại chưa tìm được người cầm trịch. Đây là những yếu tố khiến Libya rất dễ bị thao túng về chính trị và an ninh.
Mặc dù NATO tuyên bố sẽ không chiếm đóng Libya thời hậu Gaddafi, song không ai có thể nói về mức độ chi phối của liên minh quân sự này đối với Libya khi mà vẫn còn đó tham vọng của Mỹ và phương Tây về việc kiểm soát khu vực Trung Đông, cũng như kiềm chế Iran.
Tương lai của Libya vẫn hết sức mong manh với một nền chính trị bị phụ thuộc và tài nguyên bị bòn rút. Như vậy, cả chính quyền của ông Gaddafi, cả sự nôn nóng của lực lượng chống đối đã triệt tiêu mọi cơ hội thỏa hiệp để giải quyết mâu thuẫn nội bộ một cách hòa bình.
Cái giá phải trả đối với quốc gia dân tộc này là quá đắt vì không thể “đóng cửa bảo nhau”, mà phải viện đến sự can thiệp từ bên ngoài. Đây sẽ là bài học không chỉ đối với các nước đang trong vòng xoáy bất ổn tại Trung Đông - Bắc Phi mà còn đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Phải tránh rơi vào tình cảnh như Libya, trở thành “miếng mồi” cho chủ nghĩa cơ hội quốc tế xâu xé.
Ý kiến bạn đọc