Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar trong 3 ngày, từ 30-11 đến 2-12. Đây là lần đầu tiên sau 50 năm, một Ngoại trưởng Mỹ tới Myanmar nhằm đáp lại những dấu hiệu cởi mở từ chính quyền dân sự Myanmar.
Trong bối cảnh Myanmar đã tiến hành những cải cách được cả thế giới công nhận, việc chính quyền Mỹ có những điều chỉnh nhất định trong quan điểm đối với quốc gia Đông Nam Á này cũng là điều dễ hiểu.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Myanmar kể từ năm 1962 tới nay. Đây được xem là cơ hội lịch sử để tìm kiếm một chương mới trong quan hệ hai nước.
Suốt 50 năm qua, Mỹ duy trì các biện pháp cấm vận ngặt nghèo đối với đất nước Myanmar với lý do trừng phạt chính quyền quân sự của nước này không thực thi dân chủ. Tuy nhiên, kể từ tháng 3-2011, khi một chính phủ dân sự lên nắm quyền tại Myanmar dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, đã có nhiều thay đổi diễn ra tại Myanmar và điều đó tác động không nhỏ đến lập trường của quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar. (Nguòn: Internet) |
Khi chứng kiến các bước tiến đáng kể của Myanmar trong việc cải cách và hội nhập với thế giới, cộng đồng quốc tế cũng như Mỹ buộc phải có cái nhìn khác hơn đối với Myanmar. Điều này thể hiện rõ qua việc Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon có những tuyên bố ghi nhận những cải cách của Myanmar.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 19 vừa diễn ra ở Indonesia, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng quyết định ủng hộ Myanmar giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2014, mở đường cho vai trò lớn hơn của Myanmar trong khu vực. Vì thế, việc Mỹ tìm cơ hội cải thiện quan hệ với Myanmar thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Hyllary Clinton cũng là bước đi phù hợp với những thay đổi này.
Có thể nói rằng, việc tạo dựng một không khí hòa dịu hơn giữa Mỹ và Myanmar sẽ đem lại nhiều mối lợi cho cả hai bên. Hơn ai hết, Myanmar muốn thoát khỏi tình trạng bị cô lập trong suốt 5 thập kỷ, đồng thời hy vọng sự cải thiện trong quan hệ chính trị sẽ đem lại những cơ hội hợp tác mới để vực dậy nền kinh tế vốn trì trệ của Myanmar.
Còn đối với chính quyền Washington, tăng cường quan hệ với Myanmar thực chất cũng là nhằm củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Myanmar có một vị trí địa chiến lược đặc biệt khi giáp với cả hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời lại nằm trong khối ASEAN - Hiệp hội được đánh giá là phát triển năng động hiện nay. Một khi cải cách của Myanmar đạt được tiến bộ, Mỹ nhận ra rằng không thể chậm trễ hơn nữa trong việc xúc tiến các mối quan hệ với đối tác quan trọng này.
Đã có những điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại của Myanmar, theo đó, quốc gia này sẵn sàng thoát khỏi cái bóng của đối tác lớn nhất là Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để các nước cùng tìm kiếm cái bắt tay chặt hơn với Myanmar. Không chỉ Mỹ, các nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan đều đã có các cuộc trao đổi đoàn cấp cao với Myanmar từ tháng 10 vừa qua. Lẽ dĩ nhiên, một Myanmar dân chủ, ổn định và cởi mở hơn với thế giới không chỉ có ý nghĩa đối với quốc gia này mà còn góp phần vào hòa bình và phát triển của toàn khu vực.
Ý kiến bạn đọc