Multimedia Đọc Báo in

Tổng hạnh phúc quốc gia, thước đo của sự tiến bộ

20:35, 08/04/2012

Trong cuộc họp cấp cao của Liên hiệp quốc có chủ đề “Hạnh phúc và phúc lợi: Xác định mô thức kinh tế mới” vừa kết thúc tại New York, Thủ tướng Bhutan Jigme Thinley nhận định bắt đầu có sự quan tâm toàn cầu đến mối liên hệ giữa thịnh vượng và hạnh phúc. Về phía Bhutan, nước này đã và đang áp dụng chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” để định hướng phát triển trong nhiều thập kỷ.

Bảo tồn và đa dạng văn hóa là 1 trong 9 lĩnh vực mà chỉ số GNH đề cập đến. Trong ảnh: Lễ hội đua voi tại huyện Buôn Đôn.
Bảo tồn và đa dạng văn hóa là 1 trong 9 lĩnh vực mà chỉ số GNH đề cập đến. Trong ảnh: Lễ hội đua voi tại huyện Buôn Đôn.

Theo hãng tin IPS, cụm từ “Tổng hạnh phúc quốc gia” được Quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck đưa ra vào năm 1971. Ngài khẳng định “không” trước nỗ lực toàn cầu hóa của phương Tây bằng câu nói nổi tiếng: “Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”. Nói nôm na là phát triển bền vững không chỉ phụ thuộc vào các khía cạnh kinh tế đời sống như một thước đo sự tiến bộ. Vương quốc nhỏ bé ở dãy Himalaya (diện tích khoảng 38.394 km²) chỉ có khoảng 708.427 người dân (2011) và là một trong những nước nghèo. Nhưng nếu căn cứ vào GNH thì có lẽ Bhutan thuộc tốp đầu thế giới. Bhutan cũng là nước nghèo duy nhất có rừng còn nguyên vẹn và hạn chế du lịch tối đa nhằm bảo vệ các di tích cổ và các giá trị văn hóa lâu đời. Đặc biệt, từ năm 1984 đến 1998, tuổi thọ trung bình của người Bhutan đã tăng thêm 19 năm. Bhutan đã tạo ra một hệ thống đo lường không những hữu ích cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội mà còn tạo ra các chính sách ưu đãi cho các tổ chức và doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh để tăng GNH. Chỉ số GNH phản ánh toàn diện phúc lợi của người dân Bhutan trên 9 lĩnh vực: tâm lý, sức khỏe, giáo dục, việc sử dụng thời gian, bảo tồn và đa dạng văn hóa, hệ sinh thái đa dạng và bền vững, chính quyền quản lý tốt, sức sống cộng đồng, và các tiêu chuẩn sống. Theo chỉ số GNH của Bhutan vào năm 2010, 41% người dân vương quốc khẳng định họ hạnh phúc, 47,8% khá hạnh phúc và còn lại là không hạnh phúc. Những người hạnh phúc cảm thấy thỏa mãn 6 trong 9 lĩnh vực trên. Trong nhóm hạnh phúc, có khoảng 8% là những người rất hạnh phúc vì họ thỏa mãn 7 hoặc tất cả 9 lĩnh vực. Các quan chức Bhutan cho rằng mô hình của Bhutan, cùng với ý niệm của Phật giáo về hạnh phúc rộng lớn hơn so với khái niệm hạnh phúc của phương Tây.

Năm 2011, Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết mà Bhutan trình lên Đại hội đồng với 68 quốc gia nhất trí rằng phải tiếp cận toàn diện để phát triển nhằm thúc đẩy hạnh phúc và hạnh phúc bền vững. Tại cuộc họp vừa qua, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhận định, GDP từ lâu đã trở thành thước đo của mỗi nền kinh tế hay chính trị. Tuy nhiên, nó không đo được cái gọi là tiến bộ xã hội và môi trường. Thế giới ngày nay rất cần mô hình kinh tế mới thừa nhận vai trò bình đẳng giữa ba trụ cột của phát triển bền vững, trong đó phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường không thể tách rời. Kết hợp ba phúc lợi này trên toàn cầu sẽ đưa ra chỉ số “Tổng hạnh phúc toàn cầu” (GGH). Trong hội nghị trên, sau khi Bhutan trình bày về GNH của mình, nhiều nước có dịp nhìn nhận lại quan điểm phát triển không có nghĩa là phải hy sinh môi trường và hạnh phúc của cộng đồng. Vì thế, Thủ tướng Bhutan nghĩ rằng tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) ở Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6 tới, sẽ là thời khắc lịch sử của nhân loại nếu các nhà hoạch định chính sách xem xét áp dụng ý tưởng “hạnh phúc” của Bhutan.

Nguồn SGGP


Ý kiến bạn đọc