Multimedia Đọc Báo in

Trách nhiệm của truyền thông

11:15, 28/09/2012

Làn sóng phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi chưa kịp lắng xuống, tuần báo Pháp Charlie Hebdo lại đổ thêm dầu vào lửa khi cho đăng tải các biếm họa Nhà tiên tri Mohammad. Cũng như Washington không thể cấm chiếu bộ phim, Paris cũng không thể ngăn Charlie Hebdo đăng tải biếm họa tờ báo vì vin vào quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được Hiến pháp Pháp quy định.

Làn sóng phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi đã lan rộng khắp thế giới
Làn sóng phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi đã lan rộng khắp thế giới

Tuy nhiên, với những hậu quả xuất phát từ quyền tối thượng đó, vấn đề tự do ngôn luận và trách nhiệm của truyền thông đang được các nhà báo chân chính xem xét một cách nghiêm túc. Hàng trăm sinh viên Iran đã biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Pháp tại Tehran với những khẩu hiệu đầy giận dữ thể hiện sự bất bình đối với các biếm họa. Tại ngay quê nhà của tờ báo, rất nhiều độc giả đã thể hiện sự phẫn nộ khi xé ngay tờ báo vừa mua. Năm 2011, văn phòng của chính tuần báo này tại Paris đã bị “ăn” bom xăng sau khi đăng những bức biếm họa đầu tiên về Hồi giáo. Ngay trong báo giới Pháp, không phải ai cũng tán đồng với hành động của Charlie Hebdo. Bài xã luận của tờ Le Monde số mới nhất đã đặt câu hỏi: Có nên đổ dầu vào lửa? Theo nhà chính trị học người Pháp Philippe Braud, quyền tự do ngôn luận cần được tôn trọng nhưng có những giới hạn mà tự do ngôn luận không nên vượt qua. Trong trường hợp này, đó là giới hạn về tôn giáo. Vai trò của truyền thông trong xã hội thông tin ngày nay rất quan trọng. Mỗi một sản phẩm truyền thông đều mang tính định hướng dư luận, tạo hiệu ứng rất lớn trong xã hội.

Đoạn phim dài 14 phút và những bức biếm họa đã kích động làn sóng bạo lực trên khắp thế giới, khiến hố sâu ngăn cách giữa thế giới đạo Hồi và các quốc gia phương Tây ngày một lớn. Một số chuyên gia thậm chí còn nhận định rằng tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, với các kế hoạch và chương trình cụ thể vạch ra để chống lại Mỹ và phương Tây, cũng không thể đạt được hiệu quả như những gì mà bộ phim và các bức biếm họa đã làm. Khả năng dẫn dắt dư luận của truyền thông cũng được thấy rõ trong thời gian qua khi tình hình tranh chấp về chủ quyền tại khu vực châu Á trở nên gay gắt. Giáo sư Triển Giang, giảng viên báo chí thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, đã cáo buộc các cơ quan và tổ chức truyền thông như Thời báo Hoàn cầu - một ấn bản của Nhân Dân nhật báo - đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân Trung Quốc để phục vụ những lợi ích riêng của họ. Còn với tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, các phương tiện truyền thông Trung Quốc, cụ thể là Thời báo Hoàn Cầu, thường xuyên đòi chính quyền Bắc Kinh phải phát động cuộc chiến chống lại các quốc gia Đông Nam Á, kích động làm tình hình trở nên căng thẳng, gây hiểu lầm trong người dân các nước liên quan, đi ngược lại ý chí của đa số người dân và chính phủ các nước mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.

Các quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ của pháp luật quy định của mỗi quốc gia bởi điều đó tránh cho việc phát ngôn bừa bãi, dẫn đến xuyên tạc sự thật. Truyền thông đóng vai trò lớn trong đời sống xã hội. Vì vậy, trách nhiệm góp phần ổn định xã hội của truyền thông phải được đặt lên hàng đầu, tránh để truyền thông bị lợi dụng vì mục đích cá nhân nhằm gây bất ổn xã hội.

Nguồn SGGP


Ý kiến bạn đọc