Multimedia Đọc Báo in

IMF kêu gọi khôi phục niềm tin vào tài chính toàn cầu

08:17, 12/10/2012

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế  giới (WB) đang diễn ra tại Tokyo, IMF đã công bố một báo cáo nhan đề “Ổn định tài chính toàn cầu”, trong đó cảnh báo rằng lòng tin của các nhà đầu tư vẫn rất mong manh trong khi nguy cơ bất ổn tiếp tục gia tăng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế  giới đang diễn ra tại Tokyo
Các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra tại Tokyo.

Trong báo cáo trên, IMF nhận định những rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu đã tăng lên kể từ khi quỹ công bố báo cáo lần trước vào tháng Tư, trong đó khủng hoảng nợ ở Eurozone là mối đe dọa lớn nhất. Dù các nhà hoạch định chính sách ở Eurozone đã có những quyết định quan trọng, song nhiệm vụ ngăn chặn khủng hoảng vẫn chưa hoàn thành. IMF dự báo sự tiến triển chậm chạp ở Eurozone có nghĩa các ngân hàng châu Âu có thể tổn thất 2.800 tỷ Euro tài sản trong 2 năm (tính từ quý III-2011 đến cuối năm 2013). Nếu các nhà hoạch định chính sách châu Âu không thực hiện cam kết về thiết lập một cơ quan giám sát ngân hàng và các nước ngoại vi không triển khai các chương trình điều chỉnh, con số thậm chí có thể lớn hơn, với 4.500 tỷ Euro tài sản bị mất và kèm theo là những ảnh hưởng đối với thị trường việc làm và đầu tư. Những vấn đề của Eurozone cũng có thể lan tới các thị trường mới nổi, nơi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Trong khi đó, các nước ở Trung và Đông Âu trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc tài chính, do gắn nhiều với Eurozone và các món nợ nước ngoài.

Riêng đối với châu Phi, IMF cũng cho rằng cuộc khủng hoảng của Eurozone còn chưa tác động nhiều tới châu lục này, ngoại trừ Nam Phi là quốc gia có quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ với khu vực này (tháng 7 năm nay, IMF đã hạ tăng trưởng của Nam Phi năm 2013 từ 3,3% xuống 3% trong khi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2012 là 2,6%), nhưng IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Phi xuống mức 5% trong năm 2012 do tác động từ khủng hoảng tại Eurozone và giá lương thực tăng cao. Trước đó, IMF dự báo châu Phi sẽ đạt mức tăng trưởng từ khoảng 5,4% trong năm 2012. Theo đánh giá của IMF, nếu Eurozone tiếp tục khủng hoảng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng của khu vực châu Phi hạ Sahara. Giá cả hàng hóa giảm sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nguyên liệu sản xuất của châu Phi. Để đối phó với khó khăn hiện nay, IMF cho rằng các quốc gia châu Phi cần ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để đối phó trong trường hợp rủi ro xảy ra.

Còn với Mỹ và Nhật Bản, dù được hưởng lợi khi các nhà đầu tư tìm tới nhằm tránh những rủi ro ở Eurozone, song sẽ cần nỗ lực hơn nữa để giảm gánh nặng tài chính trong trung hạn. Mỹ đang đối mặt với cái gọi là “vách đá tài chính”, tức việc cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ và tăng thuế vào đầu năm tới. Trong khi đó, Nhật Bản đang gánh số nợ công lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển, ở mức 200% GDP và IMF đã đưa ra cảnh báo nước này có thể lâm vào khủng hoảng nợ giống như ở Eurozone. Để đối phó với tình hình, Nhật Bản vừa quyết định tăng thuế tiêu dùng để đối phó với thâm hụt tài chính khổng lồ, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ là liệu dự luật tăng thuế tiêu dùng này sẽ được thực thi hay không. Theo Giáo sư Kojo Yoshihiko, thuộc Khoa Sau đại học của Trường Đại học Tokyo, các biện pháp thắt lưng buộc bụng thì không được công chúng ủng hộ. Việc thực thi các biện pháp này có thể gây bất ổn chính trị. Để có thể vượt qua được tình hình như hiện nay thì cần có kỹ năng khéo léo về chính trị.

Báo cáo "Ổn định tài chính toàn cầu" được đưa ra sau khi IMF nhận định sự suy giảm của kinh tế toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn và hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm tới. IMF cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ và châu Âu rằng sự thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của các nền kinh tế này sẽ khiến sự suy giảm kéo dài. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần khẩn trương tăng cường hợp tác về tài chính và tài khóa trong khu vực sử dụng đồng Euro nhằm khôi phục niềm tin còn mong manh đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Giang Nam (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc