Multimedia Đọc Báo in

Libya trước nguy cơ rơi vào nội chiến

14:11, 26/10/2012

Bạo lực đẫm máu vẫn tràn lan ở Libya trong khi chính phủ mới bất lực trong việc kiểm soát tình hình. Quyền lực thực sự không nằm trong tay của chính quyền hiện nay ở Libya và quốc gia này vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn.

Đất nước Libya tốt hơn hay tồi tệ hơn? Đây là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra sau những diễn biến đầy bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này sau cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Bạo lực tràn lan

Hơn một năm sau sự sụp đổ của chế độ Muammar Gaddafi, bạo lực đẫm máu vẫn phổ biến ở Libya. Những bất ổn trên chính trường, những báo cáo về các cuộc tra tấn, ngược đãi với những người trung thành với chế độ cũ, cũng như bạo lực đang gia tăng từ cuộc bao vây Bani Walid đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc nội chiến sẽ lan rộng trên toàn Libya.

Các lực lượng ủng hộ chính phủ chuẩn bị đạn dược mở cuộc tấn công vào thị trấn phía Bắc Bani Walid, một trong những thành trì cuối cùng của chế độ Moamer Gadhafi. (Nguồn: Getty Images)
Các lực lượng ủng hộ chính phủ chuẩn bị đạn dược mở cuộc tấn công vào thị trấn phía Bắc Bani Walid, một trong những thành trì cuối cùng của chế độ Muammar Gadhafi. (Nguồn: Getty Images)

Bani Walid - nơi được xem là pháo đài cuối cùng của những người ủng hộ Đại tá Gaddafi đã bị vây hãm trong suốt hơn 20 ngày qua bởi lực lượng dân quân thân chính phủ và dường như cuộc vây hãm này sẽ không sớm kết thúc. Cuộc vây hãm này được tiến hành khi quân đội tìm cách bắt giữ những người chịu trách nhiệm cho cái chết của một dân quân có tên Omran Shaaban - người được cho là đã bắt giữ được Đại tá Gaddafi năm 2011.

Trang mạng RT của Nga dẫn lời một số cư dân Bani Walid cho biết, các lực lượng dân quân thân chính phủ đã tấn công vào thị trấn này bằng bom chứa đầy khí độc. Mặc dù những thông tin này rất khó xác minh trong tình hình hiện nay tại Bani Walid, nhưng những gì có thể xác nhận được cho thấy, lực lượng dân quân đã pháo kích bừa bãi vào thị trấn này. Những clip quay được từ Bani Walid cho thấy nhiều thi thể, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em trong tình trạng mất chân, tay và khuôn mặt bị biến dạng.

Nguồn cung cấp điện và khí đốt của thị trấn Bani Walid cũng đã bị cắt giảm, nhiều dân thường đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Tình trạng thiếu nguồn cung cấp nước, thực phẩm và y tế cũng đã xảy ra tại đây.

Cuộc bao vây và tấn công tại Bani Walid đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn. Hàng trăm người dân Bani Walid đã tuần hành đến trụ sở của Quốc hội Libya ở Tripoli hôm chủ nhật vừa qua để phản đối cuộc tấn công vào quê hương của họ trong hơn hai tuần qua. Những người biểu tình yêu cầu một giải pháp hòa bình cho cái họ gọi là “cuộc chiến tranh bộ lạc” đang xảy ra ở thị trấn Bani Walid.

Những bất bình thời “hậu Gaddafi”

Hơn một năm sau khi NATO tiến hành không kích Libya và hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi, câu hỏi hiện nay là liệu đất nước này có tốt hơn dưới sự cai trị của Gaddafi?

"Chính quyền thời hậu Gaddafi không có tính hợp pháp. Điều này khiến chính quyền của ông Gaddafi trước đây giống như “một ngọn hải đăng” đối với người dân Libya, nhà phân tích chính trị Patrick Henningsen nói với RT.

Trước khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, phương Tây đã đưa ra rất nhiều cáo buộc ông Gaddafi về hành vi vi phạm nhân quyền và tội ác chống lại nhân loại. Đại tá Gaddafi được phương Tây vẽ ra là “một nhà độc tài tàn nhẫn - người dửng dưng ngay cả trước cái chết của người dân nước mình”. Tuy nhiên, kể từ khi đất nước Libya được tuyên bố “giải phóng” một vài ngày sau cái chết của Đại tá Gaddafi (ngày 20-10-2011), cho đến nay, nhiều người dân Libya khi được hỏi đều cho rằng, Libya đã không có sự tiến triển nào, nếu không muốn nói là thụt lùi so với chế độ trước đây.

Mặc dù các chính phủ phương Tây luôn rao giảng hòa bình và ổn định ở Libya, một số nhà phân tích cho rằng, quyền lực thực sự không nằm trong tay của chính quyền hiện nay ở Libya và quốc gia này vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn.

Theo các nhà quan sát quân sự ở Libya, ước tính có khoảng 30.000 phiến quân đã tham gia vào cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi năm 2011. Tuy nhiên, Ủy ban về Các vấn đề chiến binh Libya cho biết, số lượng người có vũ trang hiện nay trong cả nước đã phát triển đến con số 250.000 người. Libya đang tràn ngập vũ khí, và mặc dù các nhà lãnh đạo mới đã cố gắng đưa đất nước này đến một cuộc bầu cử Quốc hội, nhưng họ đã thất bại hoàn toàn trong việc áp đặt quyền lực của chính quyền trên một quốc gia đang tràn ngập các nhóm dân quân được thành lập bởi các cựu phiến quân.

"Chính quyền hiện nay ở Libya là một sự “sáng tạo” của phương Tây trong kế hoạch thay đổi chế độ Gaddafi. Vì vậy, bạn có thể hình dung ra cách họ đang quản lý đất nước này, và chắc chắn là không có sự ổn định ở Libya so với trước khi NATO không kích và phá hủy đất nước này ", nhà phân tích chính trị Patrick Henningsen nói. Trong khi đó, nhà bình luận về thế giới Arab Barry Lando nói rằng, triển vọng cho Libya ảm đạm hơn bao giờ hết khi các lực lượng dân quân vũ trang đang đại diện cho sức mạnh thực sự ở Libya.

Sự "mong manh" của chính phủ Libya càng rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn khi Quốc hội nước này vừa bãi chức của ông Mustafa Abushagur - Thủ tướng đầu tiên được bầu kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi vì không thể thành lập một nội các mới.Trong khi đó, Thủ tướng mới của nước này Ali Zaidan cũng đang đứng trước nguy cơ bị bãi nhiệm nếu Quốc hội Libya bác bỏ đề xuất về thành phần nội các của ông này. Điều này một lần nữa sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của chính phủ mới hiện nay tại Libya.

                                                                             Nguồn VOV


Ý kiến bạn đọc