Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu tiếp tục “vật lộn” trong khủng hoảng

10:37, 16/11/2012

Trong những ngày qua, những thông tin về tình hình khó khăn của nền kinh tế châu Âu tiếp tục dồn dập xuất hiện. Các quốc gia tại châu lục này đang có những nỗ lực vượt bậc để vượt qua thách thức, nhưng xem chừng lối ra của nền kinh tế của “lục địa già” vẫn rất u ám.

Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến từng ngõ ngách của mỗi quốc gia khu vực đồng Euro (Eurozone). Sản lượng kinh tế ở 17 nước thuộc Eurozone trong năm nay sẽ sụt giảm nhiều hơn so với dự báo và sẽ chỉ phục hồi chút ít vào năm tới. Nền kinh tế khu vực Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng âm 0,4% trong năm nay và năm tới là 0,1%. Theo AFP, Chính phủ Hy Lạp đã phải bán hơn 5 tỷ USD trái phiếu trong ngày 13-11. Số tiền này, cùng các ngân khoản khác sẽ cho phép Hy Lạp thực thi nghĩa vụ tài chính của mình bằng việc thanh toán hơn 6 tỷ USD nợ đáo hạn vào ngày 16-11. Hy Lạp trước đó đã áp dụng thêm một loạt biện pháp tiết kiệm khác theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế nhằm nhận được đợt giải ngân 40 tỷ USD trong kế hoạch cứu nguy tài chính lần thứ hai. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras khuyến cáo Nghị viện châu Âu rằng Hy Lạp phải đối đầu với những giới hạn tài chính của riêng họ và nếu ngân khoản cứu nguy thứ nhì không được tháo khoán sớm nước này sẽ không có khả năng thanh toán các món nợ trong tương lai.

 Xếp hàng chờ xin việc tại một văn phòng nhà nước ở Palma de Mallorca, Tây Ban Nha.    Ảnh: Internet
Xếp hàng chờ xin việc tại một văn phòng nhà nước ở Palma de Mallorca, Tây Ban Nha. Ảnh: Internet

Tại Italia, Ngân hàng Trung ương nước này cho biết nợ công của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 1.995 tỷ Euro trong tháng 9 vừa qua, tăng 19,5 tỷ Euro so với tháng trước đó. Nợ công của Italia đã và đang tiếp tục gia tăng, bất chấp các biện pháp tăng thuế của Chính phủ do Thủ tướng Mario Monti đứng đầu, khiến nguồn thu từ thuế của nước này tăng lên 280 tỷ Euro trong chín tháng đầu năm, cao hơn 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã khiến chi phí vay mượn của Italy tăng cao cũng như gánh nặng nợ công, đang đứng ở mức khoảng 126% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Trong khi đó, ngày 14-11, Cơ quan thống kê INE cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha đã tăng lên mức kỷ lục mới là 15,8% trong quý 3 năm nay, tăng từ con số 15% của quý trước đó và 12,4% cùng kỳ năm ngoái. Mức thất nghiệp này cao hơn dự báo 15,5% của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Bồ Đào Nha trong quý này cũng tăng lên 39%, so với 30% cùng kỳ năm ngoái và 35,5% của quý trước đó.

Tại Anh, số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 14-11 cho thấy số người thất nghiệp ở nước này trong quý 3 vừa qua đã giảm 49 nghìn người xuống còn 2,51 triệu người, tương đương với 7,8% lực lượng lao động. Như vậy, số người thất nghiệp ở xứ sở sương mù đang đứng ở mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Trong khi đó, số người có việc làm trong quý này tăng thêm 100 nghìn người lên gần 30 triệu người. Con số này cao hơn 500 nghìn người so với cách đây một năm. Số người có việc làm ổn định là 21,4 triệu người, tăng 51 nghìn người so với quý trước, trong khi số người làm việc bán thời gian cũng tăng thêm 49 nghìn, lên 8,1 triệu người. Tuy nhiên, theo ONS, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 10 đã tăng thêm 10.100 người, đưa tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này lên 1,58 triệu người, mức cao nhất kể từ tháng 7-2012. Số người không có việc làm trong thời gian hơn một năm tính đến quý 3 đã tăng thêm 12 nghìn người lên 894 nghìn người, trong khi số người mất việc làm trong thời gian hơn hai năm cũng lên tới 443 nghìn người, tăng 21 nghìn người so với quý II-2012. Mặc dù số người thất nghiệp giảm mạnh trong quý ba chủ yếu do số tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên giảm mạnh, nhưng số thanh niên trong độ tuổi từ 16-24 không có việc làm ở Anh hiện vẫn đứng ở mức 963 nghìn người.

Hãng AFP ngày 14-11 đưa tin, làn sóng biểu tình, đình công chống kế hoạch thắt lưng buộc bụng bằng cách tăng thuế trong bối cảnh nạn thất nghiệp tăng cao đã diễn ra tại hàng loạt các nước châu Âu. Tại Tây Ban Nha, hơn 600 chuyến bay, trong đó có 250 chuyến bay quốc tế buộc phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn do vụ đình công của các nhân viên trong các sân bay của nước này. Các nghiệp đoàn lao động tại Tây Ban Nha đã tổ chức những vụ biểu tình lớn trước trụ sở quốc hội. Ở Bồ Đào Nha, hàng ngàn người biểu tình đã phản đối chuyến công du của Thủ tướng Đức Merkel đến quốc gia này nhằm tìm cách tháo gỡ các khoản thâm hụt nợ công. Các liên đoàn lao động tại Italia cũng kêu gọi những người lao động lãn công trong 4 giờ đồng hồ. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu (EP) đã tẩy chay cuộc thảo luận với chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm mục đích thông qua lần cuối ngân sách của khối cho năm 2013. Nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng này là do các nhà lãnh đạo EU không thống nhất được về khoản ngân sách bổ sung 9 tỷ Euro (11,44 tỷ USD) cho kế hoạch chi tiêu năm nay.

Khó khăn của nền kinh tế châu Âu kéo theo sự tụt giảm của cả nền kinh tế thế giới. Mới đây nhất, trong đánh giá cập nhật về những rủi ro trên toàn cầu, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới sẽ vẫn tăng trưởng yếu đến ít nhất là năm 2014, trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng có thể chậm lại. Triển vọng này cũng có thể thay đổi nếu một hoặc nhiều rủi ro gây suy giảm như khả năng suy thoái sâu ở Khu vực sử dụng đồng Euro, khó khăn về tài chính của Mỹ hay sự thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ trở thành hiện thực.

G.N (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc