Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử - thắng lợi và thách thức
Theo kết quả công bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái đắc cử sau khi giành được 303 phiếu đại cử tri, trong khi ông Mitt Romney đạt 206 phiếu đại cử tri. Bốn năm trước, ông Obama đã đi vào lịch sử khi trở thành người da màu đầu tiên đắc cử Tổng thống Mỹ. Giờ ông tiếp tục làm nên lịch sử khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, dù đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình vui mừng sau khi tái đắc cử. |
Cú bứt phá ngoạn mục
Hy vọng tái đắc cử của Barack Obama ban đầu những tưởng đã “tan như bong bóng” khi chính khách lão luyện Romney tự tin khai màn chiến thắng với tuyên bố chiếm được phiếu đại cử tri ở hầu hết các bang truyền thống của Đảng Cộng hòa ở miền Nam. Theo kết quả công bố sau khi các hòm phiếu đóng cửa, ông Romney chiếm thế thượng phong tại cả bốn bang đầu tiên công bố kết quả bầu cử là Indiana, Kentuckey, Tây Virginia và Nam Carolina, xác lập chiến thắng bước đầu cho cựu Thống đốc 65 tuổi của bang Massachussetts. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Khi các kết quả tiếp theo được đưa ra, thế thượng phong của ông Romney dần mất đi để nhường chỗ cho cuộc bứt phá ngoạn mục của Tổng thống Obama. Từ chỗ chỉ đạt số phiếu thấp hơn đối thủ Romney từ vài đến vài chục, ông Obama đã vượt lên dẫn trước với tỷ lệ 88 phiếu so với 79 phiếu của Romney. Thế thắng này liên tục được giữ vững trong các lần công bố kết quả dồn dập sau đó với các tỷ lệ 153/143, 169/162, 244/203 và cuối cùng là 303/206. Xen giữa những chiến thắng ấn tượng này của ông Obama, cũng có những lúc ứng cử viên Romney vượt lên “cầm chân” đối thủ ở 174 phiếu, song khoảnh khắc hy vọng mong manh đó của vị chính khách – doanh nhân không tồn tại được lâu. Trên thực tế, kết quả này cũng không quá ngạc nhiên với các cử tri Mỹ, những người đã đồng hành cùng cả hai ứng cử viên trong suốt chặng đường tranh cử Tổng thống đầy cam go kéo dài suốt gần một năm qua. Mặc dù ở góc độ nào đó, người dân Mỹ vẫn còn thất vọng về cách điều hành kinh tế của ông Obama trong suốt 4 năm qua, song ấn tượng về một chính sách thân thiện, cởi mở, rất quyết đoán và kiên định trong đường lối lãnh đạo đất nước là nhân tố thu hút các cử tri đến với hòm bỏ phiếu để tiếp tục bầu chọn cho Obama.
Thách thức đang chờ ông Obama
Mặc dù tái đắc cử, nhưng Tổng thống Obama sẽ không có "tuần trăng mật". Ông sẽ phải đương đầu với hàng loạt thử thách từ trong nước. Trước hết là việc giảm chi tiêu công. Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Kiểm soát Thâm hụt ngân sách 2011. Theo đạo luật này, chi tiêu của chính phủ sẽ giảm hơn 100 tỷ USD trong năm 2013. Nhưng vào năm sau, có lẽ mức giảm chi tiêu sẽ lớn hơn cả mức mà hạ viện và tổng thống mong đợi. Mức giảm chi tiêu, cùng với việc tăng thuế, có thể đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái mới trong năm 2013. Vấn đề nợ công tăng tới mức cao nhất cũng là thách thức không nhỏ với ông Obama. Theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, vào một ngày nào đó trong tháng 2, khoản nợ của chính phủ liên bang sẽ tới mức giới hạn. Điều đó vẫn xảy ra ngay cả khi Bộ Tài chính áp dụng những biện pháp kiểm toán tạm thời để đẩy lùi ngày ấy. Những nghị sĩ Cộng hòa trong hạ viện từng tỏ ra lưỡng lự khi bỏ phiếu để nâng mức trần nợ công vào năm 2011, sau khi thế giằng co trong cuộc đối đầu giữa Obama và phe Cộng hòa trong hạ viện khiến lòng tin của giới đầu tư trong các thị trường tài chính Mỹ giảm mạnh. Có thể Hạ viện mới, với đa số thuộc về Cộng hòa, sẽ lừng khừng hơn trong việc nâng trần nợ công sau khi Obama tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa. Kế đến là gánh nặng thuế tăng. Mức thuế thu nhập hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12. Nếu quốc hội và tổng thống không hành động, mức giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và khoản khấu trừ thuế dành cho công dân dưới 18 tuổi (1.000 USD/người) sẽ bị giảm một nửa. Chính sách giảm thuế tạm thời cho trợ cấp An sinh Xã hội cũng sắp hết hiệu lực. Hậu quả của những sự kiện đó, theo Trung tâm Chính sách Thuế, là gánh nặng thuế mà mỗi người đóng thuế phải chịu sẽ tăng thêm 3.500 USD vào năm 2013. Ngoài ra, Đạo luật Bảo hiểm Y tế với mức phí phải chăng (Affordable Care Act), có hiệu lực từ ngày 1-1 năm sau, áp đặt mức tăng thuế tới 20 tỷ USD trong năm 2013 đối với những người có thu nhập năm trên 200.000 USD. Vấn đề trong nước cuối cùng là thực thi Đạo luật Bảo hiểm Y tế gây tranh cãi. Chính quyền mới của Mỹ sẽ phải thiết lập, điều chỉnh rồi vận hành cơ chế thực thi Đạo luật Bảo hiểm Y tế với mức phí phải chăng, thường được gọi là "Obamacare”. Từ khi phe Cộng hòa giành thế đa số tại Hạ viện vào năm 2010, họ đã bỏ phiếu nhiều lần nhằm hủy đạo luật. 27 bang cũng kiện đạo luật này lên Tòa án Tối cao. Bên nguyên đơn tập trung vào một điều khoản trong luật, theo đó việc mua bảo hiểm y tế là nghĩa vụ bắt buộc và những người không mua sẽ bị phạt. Nhiều người cho rằng chính phủ không nên buộc họ phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe của người khác.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6-11-2012, ông Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào ngày 20-1-2013.
G.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc