Multimedia Đọc Báo in

Châu Á vẫn là đầu tàu kinh tế

08:25, 04/01/2013

Năm 2012 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm thì châu Á vẫn là khu vực có tốc độ phát triển cao, mặc dù gần đây các tổ chức kinh tế quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực (lần thứ 2 trong năm nay), nhưng vẫn còn ở mức 6,0% và mức tăng trưởng này sẽ khả quan hơn với khoảng 6,6% trong năm 2013.

Các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Ấn Độ và Nhật Bản) từ mức 7,6% xuống còn 7,2% - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, cũng bị hạ xuống còn 7,7% thay vì 8,2% trước đó. Trong khi tăng trưởng toàn cầu năm 2012 cũng bị hạ từ 3,5% xuống 3,3% là mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Mức suy giảm “tương đối”

Hai quốc gia đông dân nhất khu vực châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, tuy đã có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trước đây được coi là “nóng”, nhưng cũng vẫn có sự suy giảm cùng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu.

Châu Á vẫn được xem là khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu  lôi kéo nền kinh tế thế giới phục hồi. (Nguồn: Internet)
Châu Á vẫn được xem là khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu lôi kéo nền kinh tế thế giới phục hồi. (Nguồn: Internet)

Với Trung Quốc, ADB dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2013, giảm đáng kể so với mức 9,3% được công bố hồi năm 2011; trong quý III tăng trưởng 7,4%, mức thấp nhất trong hơn 3 năm.

Sự suy giảm ở Trung Quốc đang gây tác động dây chuyền tới những nơi khác trong khu vực Đông Á, khi mà lượng cầu hàng xuất khẩu nội vùng sụt giảm. Lượng cầu thấp từ các nước công nghiệp đang tác động đến xuất khẩu của Đông Á. Tăng trưởng của Đông Á được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2012 và tăng lên 7,1% trong năm 2013.

Đối với Ấn Độ, tăng trưởng GDP sẽ giảm từ mức 6,5% trong năm 2011 xuống 5,6% trong năm 2012. Ảnh hưởng từ Ấn Độ sẽ làm chậm mức tăng trưởng của Nam Á xuống từ 6,6% xuống 5,5% và năm 2013 từ 7,1% xuống 6,4%. Lạm phát tiếp tục là mối quan ngại lớn với tiểu vùng này, làm hạn chế biên độ chính sách tiền tệ nới lỏng giúp kích cầu và chống lại sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Khu vực Đông Nam Á được cho là ổn định hơn cả khi áp lực lạm phát đang dịu xuống. ADB điều chỉnh dự báo lạm phát khu vực này năm 2012 chỉ là 3,9% và năm 2013 là 4%. Và tăng trưởng trong khu vực cũng chỉ tăng lên mức hơn 5% trong năm 2012.

Vẫn là đầu tàu kinh tế

Do xuất khẩu suy giảm môi trường toàn cầu không thuận lợi khiến dự báo về tăng trưởng năm 2012 và năm 2013 của một số nước như: Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đã giảm xuống. Theo ADB, trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng của cả khu vực Đông Nam Á vẫn tăng nhẹ lên 5,5%.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhóm các nước mới nổi, từng là động lực kéo đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong khủng hoảng, thì nay cũng tăng trưởng tuy có chậm hơn trước. Tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ giờ đây cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm thương mại thế giới.

Các tổ chức kinh tế - tài chính khuyến cáo các nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở châu Á nên giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường bên ngoài thay vì tăng cường tiêu dùng trong nước.

Theo chuyên gia của ADB, môi trường kinh tế bên ngoài ảm đạm tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển trong khu vực châu Á. Biểu hiện suy thoái tại hai nền kinh tế khổng lồ của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ do suy giảm tại khu vực xuất khẩu, đầu tư, và tiêu dùng, cho thấy cầu yếu từ bên ngoài là một phần của vấn đề cần sớm được điều chỉnh.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì kinh tế châu Á vẫn là khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu lôi kéo kinh tế thế giới phục hồi và phát triển trong cả trước mắt và lâu dài.

(Theo VOV)


Ý kiến bạn đọc