“Phép thử” với Pháp trong chiến dịch quân sự tại Mali
Pháp có đơn độc?
Cùng ngày 15-1, bên cạnh sự hiện diện của lực lượng chiến đấu Pháp tại Mali, lãnh đạo quốc phòng các nước Tây Phi đã thông qua kế hoạch đẩy nhanh việc triển khai binh sĩ châu Phi chống lại phiến quân Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc nước này, và một số lượng binh sĩ khu vực sẽ tới đây trong tuần tới. Cho đến nay, các nước Senegal, Burkina Faso, Niger, Nigeria và Guinea đều đã thỏa thuận cử binh sĩ tới Mali.
Binh sĩ Pháp tại chiến trường Mali. (Nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, ngoài các nước Tây Phi gửi binh sĩ đến, châu Âu và Mỹ đều cho thấy thái độ dè chừng. Nga khẳng định nước này coi chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp nhưng không sẵn lòng hỗ trợ gì. Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp trong tuần này để bàn về cuộc khủng hoảng tại Mali và kế hoạch huấn luyện binh sĩ Mali chống lại lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Chỉ có Canada tuyên bố mặc dù không đưa quân đội trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự tại Mali, nhưng sẽ có những hỗ trợ về “hậu cần” như gửi máy bay vận tải quân sự hạng nặng cho các lực lượng của Pháp. Anh cũng chỉ tuyên bố sẽ cân nhắc các đề nghị hỗ trợ và hậu cần, chứ không tham gia chiến dịch với Pháp như họ đã từng từ chối khi Pháp tấn công Libya cách đây 2 năm.
Ngay cả chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ có động thái hướng tới việc cho phép hỗ trợ có giới hạn cho chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali như chuẩn bị sẵn sàng các máy bay do thám không người lái cũng như các căn cứ tình báo không quân để có thể triển khai trong những ngày tới. Washington dẫn phát biểu của các quan chức Mỹ nhấn mạnh, tuy không xem xét việc gửi bộ binh và máy bay chiến đấu tới Mali tham gia vào chiến dịch không kích của Pháp, nhưng Mỹ có thể cung cấp các thiết bị nhằm hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Pháp.
Báo Guardian nhận định, sự hỗ trợ rời rạc của quốc tế đối với chiến dịch mà Pháp đang dẫn đầu cho thấy nước Pháp đã thực sự “bắt đầu một một chiến dịch can thiệp đơn độc nhưng không thể hoàn thành”.
Bệ phóng của Thánh chiến Hồi giáo
Phản ứng có giới hạn của Mỹ trước đề nghị hỗ trợ quân sự của Pháp và phản ứng khá thận trọng của các đồng minh châu Âu sẽ khiến Pháp đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi cũng không có sự “kề vai” của Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhà Trắng lo ngại về khả năng bị cuốn vào một cuộc xung đột mới trong khi nước này đang thực thi lộ trình rút ra khỏi cuộc chiến kéo dài 11 năm tại Afghanistan. Còn EU thì cũng không còn tâm trí nào để đổ sức lực vào một cuộc chiến mới trong khi tình hình kinh tế chưa thoát được vòng lẩn quẩn của cuộc khủng hoảng.
Thậm chí, phương Tây và các nước láng giềng với Mali đều có chung lo ngại cuộc khủng hoảng Mali nếu không được giải quyết triệt để sẽ biến quốc gia châu Phi này thành một bệ phóng cho phong trào Thánh chiến Hồi giáo. Trong khi đó, đối mặt với các cuộc oanh kích của quân đội Pháp mấy ngày qua, lực lượng phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ miền Bắc Mali tuyên bố sẽ biến Mali thành một Afghanistan tiếp theo.
Phong trào Thống nhất và Jihad ở Tây Phi, một trong những phe phái chính trong liên minh nổi dậy cảnh báo rằng công dân Pháp sẽ phải trả giá cho các cuộc không kích vào căn cứ Gao của lực lượng phiến quân Hồi giáo ngày 13-1 khiến hàng chục tay súng thiệt mạng. Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, người phát ngôn phong trào này Oumar Ould Hamaha tuyên bố: “Pháp đã mở cánh cửa địa ngục cho tất cả người Pháp. Nước Pháp đã bị rơi vào bẫy nguy hiểm hơn cả ở Iraq, Afghanistan hoặc Somalia”.
(Theo SGGP)
Ý kiến bạn đọc