Trung Đông năm 2013 và bài toán của Mỹ
Gần bốn năm trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước đại học Cairo (Ai Cập) và hứa hẹn một “khởi đầu mới” giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo. Trong bài phát biểu đó, ông Obama đã vạch ra một tầm nhìn cho kỷ nguyên mới của hợp tác kinh tế ở Trung Đông.
Ông Obama kết thúc cuộc chiến Iraq theo đúng lịch trình, nhưng nhiều vấn đề khác ông Obama không thể giữ đúng cam kết. Ông chưa thể đóng cửa nhà tù quân sự Guantanamo, tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel không được thực hiện và hứa hẹn tập trung phát triển kinh tế của Afghanistan sau một thời gian chiến tranh dài cũng rất xa vời. Ngoài ra, sau sự kiện “Mùa xuân Arập”, các nước Ai Cập, Tunisia và Libya chưa thể thiết lập được một nền dân chủ thân Mỹ. Sự gia tăng sức mạnh của Nhóm anh em Hồi giáo ở Ai Cập đặt ra những mối nguy hiểm cho Mỹ. Ông Morsi được bầu trong một cuộc bầu cử tự do, nhưng Hiến pháp mới của Ai Cập thiết lập quyền lực của các thế lực Hồi giáo hơn là các giá trị mà Mỹ mong đợi.
Libya đang vật lộn để tạo ra một trật tự mới sau nhiều thập niên cầm quyền của ông Muammar Qaddafi. Đất nước này giờ đây bị bọn buôn lậu vũ khí hoành hành và giới giáo sĩ Hồi giáo cũng đang quy tập quyền lực.
Tại Bahrain, một đồng minh thân cận của Mỹ cũng là nơi có Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, một chế độ quân chủ Sunni cũng phải đang chống trả vất vả với người người Hồi giáo Shiite.
Đặc biệt, vấn đề Syria mang tính cấp bách nhất mà ông Obama phải giải quyết trong năm 2013. Cuộc nội chiến tại Syria đã cướp đi hơn 40.000 sinh mạng, đồng thời đe dọa đến lợi ích của Mỹ nếu chế độ Bashar al-Assad ở đó tiếp tục tồn tại...
Vấn đề Iran, Mỹ đã dẫn đầu một nỗ lực của phương Tây để cô lập Iran, với các hạn chế bán dầu và các giao dịch tài chính của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, những hành động này cho đến nay vẫn không thể ngăn cản Iran tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân. Tình hình ở Afghanistan và Pakistan căng thẳng vẫn tiếp tục kéo dài. Mặc dù có hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ mỗi năm, Pakistan vẫn bất ổn với các nhóm chiến binh xuất hiện ngày càng nhiều.
Cuộc xung đột Israel - Palestine đang tiến đến một giai đoạn nguy hiểm mới. Nếu như năm 2009, Tổng thống Obama kiên quyết kêu gọi Israel chấm dứt xây dựng định cư tại Bờ Tây thì nay dường như Washington “làm ngơ”. Có thể ông Obama muốn tranh thủ lá phiếu của cử tri gốc Do Thái nên mới nương nhẹ cho các kế hoạch mới xây dựng khu định cư Do Thái. Liệu năm 2013, với nhiệm kỳ cuối, ông Obama có trở lại thái độ kiên quyết về vấn đề này hay không. Điều đó phụ thuộc nhiều vào cục diện chung của khu vực Trung Đông. Nếu Mỹ bận tâm với các vấn đề Iran hay Syria thì có thể họ sẽ tiếp tục để yên cho Israel tự tung tự tác.
Bên cạnh đó, việc Mỹ chuyển hướng trọng tâm chiến lược về châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc cũng tác động đến chính sách Trung Đông của nước này. Một số chuyên gia cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ trong thời gian tới sẽ theo hướng giải quyết sự vụ hơn là có chiến lược lâu dài.
Tóm lại, quan hệ Mỹ và thế giới Hồi giáo sau cam kết hòa hoãn của Tổng thống Obama năm 2008 đến nay hầu như chưa phục hồi là bao. Những nghi kỵ vẫn còn đó khi các giá trị mà Mỹ mong muốn áp đặt cho thế giới Hồi giáo vẫn không đổi. Vấn đề cơ bản là các giá trị đó với mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho lợi ích của Washington hơn là cho nhân dân của các nước khu vực Trung Đông.
(Theo SGGP)
Ý kiến bạn đọc