IMF và WB hối thúc Mỹ tháo gỡ bế tắc về ngân sách
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa nước Mỹ sẽ chạm mức trần nợ 16.700 tỷ USD, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng cảnh báo việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra hàng loạt tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi Washington cần nhanh chóng tháo gỡ những bất đồng chính trị để đạt được một thỏa thuận về vấn đề ngân sách và trần nợ.
Phát biểu tại Washington bên lề kỳ họp thường niên của IMF và WB, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh nếu Mỹ thất bại trong việc nâng trần nợ công trước thời hạn chót ngày 17-10 thì không chỉ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu "theo hiệu ứng đập tràn".
Tuy nhiên, bà Lagarde cho biết mặc dù không thể "đứng yên" trước những bế tắc tài chính của Mỹ, song IMF cũng không thể đưa ra quan điểm cũng như đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Nhắc lại một phân tích của tổ chức này cho rằng nước Mỹ suýt rơi vào vỡ nợ năm 2011, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhận định việc ngay cả khi Mỹ thoát hiểm vỡ nợ cũng tác động thực sự tới các thị trường đang phát triển bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Jim Yong Kim, hiện giá trái phiếu chính phủ tăng và thị trường chứng khoán giảm đang tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Mỹ, trong khi đó 50% xuất khẩu của nước này là sang các thị trường đang phát triển.
Ông cho biết WB vẫn đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến về khủng hoảng nợ công tại Mỹ cũng như hối thúc các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng hành động để tìm ra giải pháp hiệu quả, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực lan rộng ra nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cũng lên tiếng cảnh báo một hậu quả "thảm khốc" nếu kịch bản vỡ nợ xảy ra. Theo ông, Mỹ như một "người mù" đang đi trên vách đá và nếu cứ tiếp tục như thế thì nước Mỹ sẽ sụp đổ.
Chính khách này cho biết hiện Chính phủ Mỹ đang thu khoảng 70 cent thuế cho mỗi USD chi ra, và như vậy, phải vay để trả nợ. Nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công hiện nay là 16.700 tỷ USD thì Chính phủ Mỹ có thể mất khả năng vay nợ vào cuối tháng Mười này. Bộ trưởng Lew cũng đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ các khoản chi từ an sinh xã hội hội cho tới phúc lợi cựu chiến binh sẽ bị ngưng trệ nếu chính phủ thất bại trong nỗ lực nâng mức trần nợ công.
Trước đó, ngày 9-10, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo việc Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ công trước ngày 17-10 sẽ không chỉ đẩy nước Mỹ đối mặt với tình trạng vỡ nợ mà còn khiến các quốc gia thuộc OECD đối mặt với nguy cơ trở lại suy thoái trong khi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
OECD cũng kêu gọi hai đảng chính trị chủ chốt của Mỹ nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc và nâng mức trần nợ công nhằm củng cố đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ và thế giới.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc