Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ tái bùng phát đụng độ bạo lực tại Ai Cập

14:53, 04/10/2013

Bầu không khí căng thẳng tại Ai Cập đột ngột leo thang trong bối cảnh phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và lực lượng đối địch ủng hộ quân đội cùng kêu gọi biểu tình trong ngày 4-10 nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh Ai Cập-Israel.

Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo - ngày 3-10 đã kêu gọi những người ủng hộ tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành mang tên "Chúng tôi cần chiến thắng mới" nhằm phản đối cuộc đảo chính chống lại vị Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập Mohamed Morsi.

Trong một tuyên bố, NASL nhấn mạnh thế hệ lãnh đạo quân đội hiện nay là "những người đầu tiên trong lịch sử Ai Cập chĩa súng vào nhân dân".

NASL kêu gọi người biểu tình tập trung tại các nhà thờ lớn ở Cairo và tỉnh Giza kế bên trước khi kéo về quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo vào ngày 6-10 tới trong một động thái thách thức quân đội và các lực lượng đối địch.

Trong khi đó, phong trào Tamarod - lực lượng đứng sau cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi - cũng kêu gọi biểu tình trước cửa Phủ tổng thống và tại các quảng trường lớn trên khắp cả nước, trong đó có quảng trường Tahrir, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh với Israel.

Diễn biến này làm dấy lên lo ngại nổ ra các cuộc đụng độ bạo lực mới giữa hai phe phái đối địch. Lực lượng an ninh đã được đặt trong tình trạng báo động cao.

Theo người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh Suez, tất cả các đơn vị khám chữa bệnh tại địa phương này, cũng như tất cả các bác sĩ, xe cứu thương đều được huy động. Trong khi đó, kỳ nghỉ lễ của nhân viên y tế bị hoãn lại tới sau ngày 6-10.

Phát biểu ngày 3-10 tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Ai Cập, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các lực lượng chính trị ở Ai Cập tham gia tiến trình chuyển tiếp và kêu gọi một cách tiếp cận "toàn diện" để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này.

Bà Ashton nêu rõ "toàn diện đồng nghĩa với việc tất cả mọi người cùng tham gia", đồng thời gợi ý rằng MB cũng tham gia vào tương lai của Ai Cập. Bà Ashton cũng lên án việc sát hại các binh sĩ tại Bán đảo Sinai và bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực bất ổn này.

Trong chuyến công du Ai Cập ba ngày, bà Ashton đã có các cuộc gặp với giới chức cấp cao nước chủ nhà, trong đó có Tổng thống lâm thời Atly Mansour và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tướng Abdel Fattah al-Sisi.

Tại cuộc gặp, ông Mansour đã cam kết theo đuổi lộ trình chuyển tiếp chính trị do quân đội vạch ra sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.

Thông cáo báo chí của Nội các lâm thời Ai Cập cho biết bà Ashton đã khẳng định rằng EU vẫn tiếp tục dành viện trợ cho quốc gia Bắc Phi này.

Trong diễn biến liên quan, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, Trung Tướng Sedki Sobhi ngày 3-10 đã có cuộc gặp với người đứng đầu lực lượng bộ binh trong Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, Trung tướng James Terry.

Theo hãng thông tấn chính thức MENA, hai bên đã thảo luận về chương trình hợp tác quân sự song phương và các cuộc tập trận chung, bị Washington hủy bỏ sau khi cảnh sát Ai Cập dùng vũ lực giải tán hai khu lán trại của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza, khiến khoảng 600 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.


Theo TTXVN
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.