Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán Iran và nhóm P5+1: lạc quan nhưng thận trọng

10:52, 09/11/2013

Iran và Nhóm P5+1 đã bước vào ngày thứ 2 đàm phán tại Geneva về chương trình hạt nhân của Tehran.

Mặc dù cuộc đàm phán được dự báo gặp nhiều khó khăn, nhưng với những đánh giá tích cực của các bên sau ngày đàm phán đầu tiên, cộng đồng quốc tế hy vọng Iran và nhóm P5+1 sẽ có bước đột phá để góp phần mang lại ổn định cho khu vực.

Phát biểu với báo giới ngay sau ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng, thỏa thuận với phương Tây sẽ mở cánh cửa cho một giải pháp tháo gỡ khủng hoảng hạt nhân kéo dài cả thập niên giữa Tehran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức).  

Ông Zarif nhấn mạnh: “Tại cuộc gặp, tôi cảm thấy những người ở phía đối diện bàn đàm phán cũng đang xem xét để đưa ra quyết định. Hiện chúng tôi đang thảo luận chi tiết và chúng tôi cũng nhìn thấy mức độ sẵn sàng để đạt được một giải pháp chung. Tôi cho rằng khả năng này đang tồn tại”.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại hội nghị
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Catherine Ashton (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại hội nghị

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran cũng cho biết, mục đích của Tehran đến Thụy Sĩ  là muốn vượt qua “bức tường mất niềm tin” do các chính sách của phương Tây tạo ra. Tuy nhiên, ông nhận biết rất rõ rằng, đàm phán vẫn rất khó khăn.

Các cường quốc cũng muốn thúc đẩy một  thỏa thuận mang tính đột phá với Iran xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của quốc gia Cộng hòa hồi giáo này.

Ông Michael Mann, người phát ngôn của Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton đánh giá phiên họp đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Các cuộc thảo luận tập trung vào cả các vấn đề chính trị và kỹ thuật. Ông Mann cũng cho biết, các cường quốc và Iran đã " tiến bộ " theo hướng giảm bớt bế tắc dài kéo dài cả thập kỷ qua.

“Các cuộc thảo luận rất chi tiết. Rõ ràng trong một cuộc đàm phán phức tạp như vậy thì cần phải càng chi tiết càng tốt. Những gì phía Iran đưa ra trên bàn đàm phán là hữu ích còn chúng tôi cũng đưa ra những kiến nghị từ vài tháng trước và các bên  đang sẵn sàng thảo luận xung quanh các vấn đề này”, ông Mann nói thêm.

Trong một tuyên bố cùng ngày, phía Mỹ cho rằng, những gì mà phương Tây đang tìm kiếm là một nhận thức sơ khởi về việc ngừng phát triển chương trình hạt nhân của Iran.

Theo đó, 6 cường quốc thế giới thuộc Nhóm P5+1 sẵn sàng giảm bớt các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lại các bằng chứng rõ ràng cho thấy Tehran đang có những bước đi nhằm chấm dứt phát triển của chương trình hạt nhân.  

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jay Carney nói: “Nhóm P5+1 sẽ cân nhắc nới lỏng có giới hạn các biện pháp trừng phạt đối với Iran cho đến khi các bên đạt thỏa thuận toàn diện cuối cùng nhằm giải tỏa mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm trừng phạt đó là có hạn chế, có thể hủy bỏ và không ảnh hưởng đến những cốt lõi của các biện pháp trừng phạt. Nếu Iran không thực hiện các cam kết của mình, chúng tôi sẽ gia tăng áp lực bằng các lệnh trừng phạt mới”.

Như vậy có thể thấy, các bên đều bày tỏ sự lạc quan nhưng kèm theo sự thận trọng đối với tiến trình đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1. Điều này cũng dễ hiểu vì cho tới nay, đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran vẫn ở thế bế tắc khi các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, yêu cầu Iran giảm các hoạt động phát triển hạt nhân và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành giám sát chặt chẽ hơn, trong khi đó Iran một mực khẳng định quyền được làm giàu urani và sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ các mục đích hòa bình như công nghiệp và y tế.

Tại cuộc đàm phán tại Geneva lần này, Iran và nhóm P5+1 tập trung thảo luận những chi tiết liên quan đến đề xuất 3 bước được Tehran đưa ra trước đó, với hy vọng đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bên này muốn thấy thiện chí thật sự của bên kia và vì vậy cả hai đều chưa thể gạt bỏ sự hoài nghi lẫn nhau. Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng để có một bước tiến thật sự trong đàm phán lần này, 2 bên cần phải thể hiện sự chân thành, hướng tới mục tiêu thực chất: giải quyết vấn đề hạt nhân Iran để góp phần đem lại sự bình yên cho khu vực Trung Đông vốn biến động.


Theo VOV


Ý kiến bạn đọc