Multimedia Đọc Báo in

Thực hư đồng hồ tận thế và lời nguyền của Hoàng đế Tamerlane

08:08, 26/11/2013

Trong danh sách 10 lời nguyền chết chóc và ma mị nhất trong lịch sử mà tạp chí Khoa học đời sống (LS) của Mỹ công bố đầu tháng 10-2013, có hai lời nguyền mà người Nga từng  hứng chịu, trong đó có lời nguyền giết hàng triệu người của Hoàng đế Tamerlane kèm theo những bí ẩn của ngày tận thế.

Từ đồng hồ tận thế...

Hoàng đế Tamerlane (khoảng 1333 - 1405) là con trai của người đứng đầu một bộ tộc Mông Cổ ở Trung Á. Ông là người sáng lập ra đế chế Timurid và triều đại Timurid, có tên thật là Timour, nhưng hay bị thương trong chiến đấu nên người ta mới ghép thêm hậu tố lane (què quặt) vào sau, từ đó có mới có tên là Tamerlane. Tamerlane là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, người đã chinh phục Ba Tư, Trung Quốc, và các nước khác ở khu vực châu Á. Khi mới 24 tuổi, Tamerlane đã trở thành người đứng đầu bộ tộc, tự xưng là lãnh chúa của các bộ tộc Mông Cổ và cũng là vương quốc có đội quân mạnh nhất khu vực này thời Trung cổ. Tamerlane đã chọn cố đô Samarcand, vùng Turkistan để xây dựng cho mình một cung điện bằng đá cẩm thạch bề thế và sang trọng nhất nhì Trung Á. Tamerlane lâm bệnh và qua đời tháng 2-1405 khi mục tiêu chinh phục Trung Quốc còn dở dang. Quân đội của Tamerlane bắt đầu tan rã, đế chế rộng lớn của Tamerlane nhanh chóng lụi tàn sau khi ông  qua đời.

   Theo sử sách còn ghi thì Tamerlane là một vị vua  tàn nhẫn, vô tâm và khát máu. Dưới sự cai trị của Tamerlane, nhiều người đã bị chặt đầu, đâm chết và bị chôn sống. Khoảng 200.000 binh lính và thường dân ở Ấn Độ, 20.000 người ở Aleppo, 70.000 người Ifshan, 70.000 người Tikrit và 90.000 người ở Baghdad đã bị chặt đầu, thậm chí Tamerlane còn cho xây dựng cả một chiếc tháp khổng lồ bằng đầu của đối phương.

Một trong những sự kiện có liên quan và được lịch sử nhắc đến Tamerlane là lời nguyền ma mị và chết chóc của ông. Rất có thể chỉ là sự trùng hợp, nhưng nó lại là sự kiện được giới sử học và nhân chủng học nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt Tamerlane còn cho xây dựng một công trình mang tính tâm linh, dự báo ngày tận thế của trái đất có tên tháp đồng hồ gạch. Đây cũng chính là hầm mộ, nơi yên nghỉ của Tamerlane. Kiến trúc cổ được người dân địa phương gọi là đồng hồ trần thế hay đồng hồ gạch đếm ngược, ứng với lời nguyền nghiệt ngã của Tamerlane. Nó không hề có kim giờ, kim phút hay kim giây nhưng lại chạy đều đặn và chính xác, mỗi năm tự rơi một viên gạch. Quá trình đếm ngược thời gian này diễn ra từ bao giờ không ai biết, nhưng số gạch còn lại có thể tính được và cho kết quả gần đúng. Đặc biệt, những viên gạch này thường "rụng" vào đúng một ngày đẹp trời mà không hề có bất kỳ sự tác động nào từ bên ngoài. Sự bí ẩn nói trên có phần ma mị, đến nay chưa ai giải thích nổi, kể cả giới trí thức địa phương mà người ta đồn đoán nó  liên quan đến một lời nguyền của Tamerlane…

đến... lời nguyền nghiệt ngã

Theo Tạp chí Listverse của Mỹ, vào tháng 6-1941, một nhóm các nhà nhân chủng học Liên Xô đã đến Uzbekistan để thực hiện một chuyến thám hiểm nhà nước do chính Chủ tịch Stalin phê chuẩn. Nhiệm vụ của họ là xác định vị trí lăng mộ của Hoàng đế Tamerlane, tiến hành khai quật và tìm hiểu những gì đang tồn tại bên trong mà dư luận đồn thổi chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Mặc dù đã được các giáo sĩ Hồi giáo địa phương can ngăn nhưng việc khai quật vẫn cứ tiến hành. Các giáo sĩ Hồi giáo địa phương cảnh báo, nếu giấc ngủ của lãnh chúa bị quấy rầy, thì thảm họa sẽ xảy ra vào ngày thứ ba. Mikhail Gerasimov, người đứng đầu đoàn thám hiểm đã bỏ ngoài tai và cho rằng đây là lời đồn nhảm, mang tính mê tín dị đoan, việc khai quật đã được bắt đầu vào sáng ngày 19-6-1941.

Quyết định khai quật hầm mộ của các nhà nhân chủng học Liên Xô được xem là dũng cảm lẫn liều lĩnh. Phía bên ngoài quan tài có ghi dòng chữ " Khi tôi từ cõi chết sống lại, thế giới sẽ lâm nguy" (Nguyên văn: When I rise from the dead, the world shall tremble). Ba ngày sau, phát xít Đức đã phát động Chiến dịch Barbarossa và xâm lược Liên Xô, làm cho hàng triệu người bị thiệt mạng sau 4 năm chiến tranh. Chẳng biết đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý, nhưng sau sự kiện trên, không ai dám động đến nơi yên nghỉ của Tamerlan và từ đây lời nguyền Tamerlane ra đời.

Hoàng đế Tamerlane là người thuộc dòng dõi Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ, thấm nhuần văn hóa Ba Tư, khao khát phục hồi đế quốc Mông Cổ. Cũng chính ông là người cho xây dựng tòa đồng hồ gạch huyền bí làm lăng mộ của mình. Lúc lâm chung, ông có lời nguyền sẽ hủy diệt cuộc sống của loài người nếu hậu thế động đến nơi yên nghỉ của ông. Sự hiện diện của đồng hồ gạch gắn liền với lời nguyền đáng sợ nói trên đã thu hút sự tò mò của dư luận.  Dù thuộc tôn giáo nào, du khách đến đây không chỉ mong được thấy tận mắt chiếc đồng hồ nói về ngày tận thế mà còn muốn tìm hiểu nhiều điều về lời nguyền huyền bí mà Hoàng đế Tamerlane đã để lại

Nghe nói, ngay sau khi khai quật lăng mộ Tamerlane và với cuộc xâm lược của Đức Quốc xã diễn ra đã làm cho Stalin thêm bực mình, nhất là khi bị chỉ trích đụng chạm trực tiếp của lời nguyền Tamerlane. Sự kiện này được xem là "điểm nhấn" trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt là chiến thắng bất ngờ tại Stalingrad. Và nghe nói trước khi trận chiến diễn ra, Stalin đã ra lệnh mai táng trở lại Hoàng đế Tamerlane tại Uzbekistan theo đúng nghi thức Hồi giáo. Lời nguyền được xem là đã gỡ bỏ, và mặc dù thắng cuộc nhưng Liên Xô phải chịu tổn thất nặng nề, trên 7,5 triệu người Nga bị thiệt mạng.

K.N

(Theo  WP/LS – 10-2013)


Ý kiến bạn đọc