Multimedia Đọc Báo in

Ủy ban bầu cử Iraq đồng loạt đệ đơn xin từ chức

09:02, 27/03/2014

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 25-3, toàn bộ chín thành viên của Ủy ban bầu cử độc lập tối cao Iraq (IHEC) đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội nhằm phản đối sự can thiệp của giới chính trị và tư pháp.

Động thái bất ngờ của IHEC, diễn ra ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Iraq dự kiến diễn ra vào ngày 30-4 tới, được cho là sẽ làm phức tạp thêm cuộc bầu cử vốn đang bị phủ bóng đen bởi tình trạng bạo lực lan tràn khắp cả nước trước sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân người Sunni.

Trong một tuyên bố, IHEC cho biết ủy ban này phải chịu nhiều áp lực do xung đột giữa các cơ quan lập pháp và tư pháp.

Tuyên bố nêu rõ "để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, các thành viên của ủy ban đã quyết định từ chức tập thể".

Theo IHEC, họ bị mắc kẹt giữa các phán quyết trái ngược nhau của Quốc hội và các cơ quan tư pháp liên quan đến việc loại bỏ các ứng cử viên, bắt nguồn từ cách hiểu khác nhau về các quy định trong Luật bầu cử, trong đó có một điều khoản cấm tranh cử đối với các ứng cử viên bị "tiếng xấu".

Trong những tuần gần đây, nhiều ứng cử viên, trong đó cựu Bộ trưởng Tài chính Rafa al-Essawi, đã bị các cơ quan tư pháp cấm tranh cử với cáo buộc có liên hệ với đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein, cũng như do điều khoản không rõ ràng nói trên của Luật bầu cử.

Trong khi đó, Quốc hội Iraq khẳng định rằng IHEC không được phép loại bất kỳ ứng cử viên nào, trừ phi những người này có tiền án tiền sự.

Hiện chưa rõ việc từ chức tập thể của ủy ban trên có ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử sắp tới hay không. Tuy nhiên, theo quy định, các đơn từ chức này sẽ được Quốc hội Iraq xem xét và nhiều khả năng sẽ không được chấp thuận.

Tương lai của cuộc bầu cử - vốn được kỳ vọng sẽ chấm dứt bế tắc chính trị hiện nay ở Iraq - cũng đang bị bao phủ bởi bóng đen bạo lực. Riêng trong ngày 25-3 đã có 37 người thiệt mạng trong các vụ tấn công.

Càng đến gần thời điểm bầu cử, tình trạng bạo lực càng có xu hướng gia tăng. Chỉ trong tháng Ba vừa qua số người thiệt mạng trong các vụ xung đột đã lên đến 400 người và tính từ đầu năm đến nay đã có 2.100 người chết vì bạo lực.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc