IMF cảnh báo xu thế chững lại của nền kinh tế mới nổi
Các nền kinh tế mới nổi không chỉ đang vấp phải những yếu tố môi trường bên ngoài không mấy thuận lợi như thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính, mà còn phải xoay sở với các nhân tố nội tại kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Đây là nhận định do Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong một báo cáo nghiên cứu mới.
Trong báo cáo tựa đề "Triển vọng kinh tế thế giới" vừa công bố, IMF đưa ra nhận định rằng trong vài năm tới, các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với môi trường bên ngoài kém thuận lợi cho đà phát triển kinh tế. Tuy mất các điều kiện thuận lợi từng tồn tại trước khi xảy ra khủng hoảng, các nước trên sẽ được hỗ trợ bởi những nền kinh tế phát triển có mức tăng trưởng cao hơn cho dù điều này thường đi đôi với tỷ giá lãi suất toàn cầu cao hơn.
Theo IMF, Trung Quốc cũng là yếu tố bên ngoài không kém phần quan trọng, có tầm ảnh hưởng nhất định đến xu thế phát triển chung của các nền kinh tế mới nổi. Mặc dù sự tăng trưởng mạnh mẽ của nước này tạo được một "tấm đệm" quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính của toàn cầu, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chuyển sang chính sách phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng chậm hơn sẽ tác động đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khác.
Báo cáo của IMF cũng nêu ra hai quan điểm khác nhau về sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Một số chuyên gia lập luận rằng sự thụt lùi của các nền kinh tế mới nổi là điều không thể tránh khỏi sau nhiều năm gây ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi - song chỉ mang tính nhất thời - như giá hàng hóa cao trong khi tín dụng bên ngoài lại thấp. Đối lập với quan điểm trên, nhiều nhà phân tích khác cho rằng những biện pháp cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế vĩ mô chắc chắn đã tạo cơ sở để thúc đẩy hoạt động kinh tế của các nền kinh tế mới nổi.
Trên một blog đi kèm, các tác giả của báo cáo trên lưu ý rằng sự thụt lùi gần đây của các nền kinh tế mới nổi dường như không chỉ do yếu tố bên ngoài mà còn do yếu tố nội tại của từng nước. Chính vì vậy, theo IMF, ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách là hiểu rõ vai trò của các yếu tố nội tại cũng như đánh giá xem liệu có cơ hội cho các chính sách nhằm cải thiện sự linh hoạt của các nền kinh tế này hay không nếu không tính tới điều kiện bên ngoài.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc