Multimedia Đọc Báo in

Thỏa thuận thống nhất Palestine tiếp tục gặp phải thử thách

11:01, 28/06/2014
Thỏa thuận hòa giải Palestine tiếp tục bị thách thức khi ngày 26-6, hàng chục nghìn viên chức Hamas đình công tại Gaza để phản đối việc chính phủ thống nhất Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu chậm trả lương.
 
Cuộc đình công diễn ra sau khi chính phủ mới của Palestine, đặt tại thành phố Ramallah của Bờ Tây, tuyên bố sẽ rà soát lại danh sách các viên chức làm việc cho Hamas trước khi trả lương cho họ - một tiến trình có thể kéo dài nhiều tháng. Bất đồng này đã cho thấy sự mong manh của thỏa thuận hòa giải được ký hồi tháng 4 vừa qua giữa hai phong trào đối địch Hamas và Fatah nhằm thành lập chính phủ kỹ trị với nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng sáu tháng.  
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hồi đầu tháng 6, sau khi ngừng các cuộc biểu tình kéo dài gần một tuần, công đoàn viên chức Gaza tuyên bố sẽ nối lại hành động này nếu các thành viên của họ không được trả lương ngay lập tức. Chủ tịch công đoàn tại Dải Gaza Mohammed Seyam cảnh báo sẽ gia tăng các cuộc biểu tình nếu các viên chức ở Gaza không được công nhận thuộc chính quyền Palestine (PA) và có tên trong danh sách trả lương, sau khi thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.

Sau khi kiểm soát Gaza từ năm 2007, Hamas đã thuê khoảng 40 nghìn viên chức làm việc cho chính quyền tại dải đất này. Tuy nhiên, phong trào này đã phải vật lộn để trả lương cho nhân viên chính quyền trong những tháng gần đây, một phần do các biện pháp phong tỏa gắt gao của Israel và Ai Cập. Trong khi đó, PA vẫn trả lương cho khoảng 70.000 viên chức cũ ở Gaza dù đa số không còn làm việc trong chính quyền của Hamas. 
 
Theo thỏa thuận hòa giải Palestine, chính phủ thống nhất dân tộc sẽ có nghĩa vụ trả lương cho viên chức ở Bờ Tây và Gaza. Ngoài bất đồng về vấn đề lương, vụ bắt cóc ba sinh viên Israel ở Bờ Tây cách đây hai tuần cũng đang đe dọa thỏa thuận hòa giải giữa Fatah và Hamas. Giới chức thân cận với Tổng thống Abbas cảnh báo rằng thỏa thuận thống nhất sẽ đổ vỡ nếu những cáo buộc của Israel về việc Hamas đứng sau vụ việc này là có cơ sở. 
 
Trong khi đó, ngày 26-6, Cơ quan an ninh Shin Bet của Israel đã tiết lộ hai đối tượng tình nghi chính liên quan tới vụ việc trên đều là thành viên Hamas tại thành phố Hebron và đã bị truy nã ngay sau khi xảy ra vụ bắt cóc. Theo thông báo của Shin Bet, lực lượng an ninh và quân đội Israel đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhằm bắt giữ các nghi phạm. Giới chức Hamas tại Hebron đã xác nhận hai kẻ tình nghi là thành viên của phong trào, trong khi một quan chức tình báo cấp cao Palestine giấu tên cho biết lực lượng an ninh Palestine cũng đang tìm kiếm những đối tượng trên.   
Binh sỹ Israel trong chiến dịch tìm kiếm 3 sinh viên bị mất tích tại làng Halhul, thành phố cổ Hebron, Khu Bờ Tây ngày 24-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Israel trong chiến dịch tìm kiếm 3 sinh viên bị mất tích tại làng Halhul, thành phố cổ Hebron, Khu Bờ Tây ngày 24-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kể từ khi chiến dịch tìm kiếm bắt đầu cách đây gần 2 tuần, quân đội Israel đã bắt giữ gần 400 người Palestine ở Bờ Tây, hầu hết được cho là thành viên Hamas, khám xét khoảng 800 địa điểm và đột kích 10 cơ sở do Hamas điều hành. Ngay sau khi danh tính đối tượng tình nghi được công bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập tức lên tiếng đề nghị Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chấm dứt thỏa thuận hòa giải với Hamas. Trước đó, Israel đã đổ lỗi cho Hamas về vụ bắt cóc sinh viên tại Bờ Tây, song phong trào Hồi giáo này phủ nhận sự dính líu.

Trong khi đó, Nội các an ninh Israel đã quyết định tiếp tục chiến dịch quân sự lớn nhằm tìm kiếm 3 thiếu niên bị mất tích ở Bờ Tây, đồng thời cân nhắc một loạt biện pháp trừng phạt tài chính đối với Chính quyền Palestine (PA). Động thái trên được đưa ra sau khi quân đội Israel bắt giữ thêm 17 người Palestine, trong đó có hai nghị sỹ, vào đêm 24-6 trong chiến dịch trấn áp tại Bờ Tây. Không chỉ bắt giữ hàng trăm thành viên của phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza, Israel còn bắt lại nhiều tù nhân Palestine ở Bờ Tây từng được trả tự do 3 năm trước và bắt đầu phá hủy nhà của những người bị Tel Aviv xem là khủng bố. Israel nối lại chính sách gây tranh cãi này với cáo buộc PA chi hàng chục triệu USD mỗi tháng để trả lương cho tù nhân Palestine tại Israel và gia đình những “kẻ đánh bom liều chết”. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không cho biết chi tiết về các biện pháp trừng phạt tài chính đang được xem xét, nhưng trước đây Tel Aviv từng có kế hoạch khấu trừ một phần ngân sách hằng tháng mà Israel phải chuyển trả cho PA từ những khoản thuế thu hộ.
 
Một cuộc thăm dò dư luận do Viện Washington về chính sách Cận Đông công bố ngày 25-6 cho thấy sự ủng hộ của người Palestine đối với giải pháp hai nhà nước đã giảm xuống dưới mức 30%. Kết quả này thể hiện sự thay đổi lớn về quan điểm của công chúng Palestine. Theo đó, 60% số người được khảo sát ở Bờ Tây và Dải Gaza cho rằng mục tiêu 5 năm tới sẽ là "đòi lại tất cả Palestine lịch sử, từ sông đến biển", quan điểm đồng nghĩa với việc loại bỏ Israel, trong khi chưa tới 30% muốn "chấm dứt sự chiếm đóng Bờ Tây và Gaza để đạt được giải pháp hai nhà nước”. Nhiều thống kê khác từ cuộc khảo sát này đã xác nhận xu hướng giảm sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước như một biện pháp chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, đa số người được hỏi phản đối kháng chiến bạo lực chống Israel, nhất là ở Dải Gaza, cụ thể là 70% số người muốn Hamas duy trì thỏa thuận ngừng bắn với Israel và 57% ủng hộ việc Hamas từ bỏ bạo lực. Điều bất ngờ là phong trào Hamas kiểm soát Gaza dường như giành được ít sự ủng hộ chính trị, bởi có tới 65% số người được hỏi lựa chọn các nhà lãnh đạo phái Fatah đứng đầu PA trong vòng hai năm tới, trong khi các thủ lĩnh Hamas chỉ giành được 9% sự ủng hộ ở Bờ Tây và 15% ở Gaza.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc