Multimedia Đọc Báo in

Dịch Ebola có nguy cơ lan rộng trong những tháng tới

11:01, 11/08/2014
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola tại nhiều nước châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng lan rộng trong những tháng tới.
 
Đại diện WHO nêu rõ dịch bệnh có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn trước khi có dấu hiệu tiến triển và tổ chức này đã chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt bùng phát ở mức cao và kéo dài trong nhiều tháng. 
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm dịch Ebola tại bệnh viện Donka, Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm dịch Ebola tại Bệnh viện Donka, Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh nguy hiểm này. WHO khẳng định sự lây lan nhanh chóng của virus Ebola là “bất thường” và đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, khiến gần 1.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại 4 quốc gia Tây Phi là Nigeria, Sierra Leon, Guinea và Liberia. Căn cứ tình hình thực tế, WHO đánh giá nguy cơ dịch Ebola lan rộng trên toàn thế giới là đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh một biện pháp quốc tế mang tính liên kết là thực sự cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của virus này trên toàn cầu. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO, Margaret Chan cho rằng các quốc gia đang bị dịch bệnh do virus Ebola hoành hành là do không đủ khả năng đối phó với tình trạng bùng phát của bệnh dịch với quy mô lớn và phức tạp như hiện nay, đồng thời lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ cho các khu vực đang bị dịch bệnh. WHO cho rằng sự lây lan khó kiểm soát của dịch này một phần là do cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, sự thiết hụt về nhân lực, tài chính và vật tư của một số nước. Ngoài ra, kinh nghiệm đối phó với bệnh này và những quan điểm sai lệch về phương thức lây lan cũng đặt ra thách thức lớn cho một số quốc gia hiện đang bị tác động bởi virus Ebola.   
Chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm virus ebola. (Nguồn: guardianlv.com)
Chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm virus ebola. (Nguồn: guardianlv.com)
Bùng phát mạnh mẽ từ tháng 3 vừa qua tại Guinea, virus Ebola đã tấn công sang các quốc gia lân cận như Sierra Leon và Liberia và đang gây ra bầu không khí hoang mang lo sợ khắp thế giới. Bác sĩ Eyal Reinich đang có mặt tại trung tâm bùng phát căn bệnh Ebola ở Guinea cho biết dịch tại Tây Phi đang trầm trọng hơn, với nhiều ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn và những xác chết nằm trên đường phố. Bác sĩ Reinich không lạc quan về khả năng kiểm soát sự bùng phát căn bệnh nan y này. Ông khẳng định đây là virus Ebola độc hại nhất mà ông từng đối mặt và con số tử vong thực tế cao hơn nhiều so với những gì được công bố. Bác sĩ Reinich, đã ở Guinea từ tháng 5-2014, cho biết: "Toàn bộ các ngôi làng đã bị xóa sổ. Bạn đến các ngôi làng và chỉ tìm thấy những xác chết. Bạn không biết là tất cả người dân trong làng đã chết hay một số đã bỏ chạy. Đây là virus có nguy cơ tử vong tới 90% và chúng tôi không biết điều kiện sức khỏe của những người đã bỏ chạy”. Sự hoảng loạn tại các nước có dịch khiến cho căn bệnh này hầu như không thể kiểm soát, trong bối cảnh những dịch bệnh khác như virus Lassa và bệnh sốt rét cũng đang hoành hành trong khu vực. Người dân tại các ngôi làng đang bỏ chạy như thể đây là một cuộc nội chiến, khiến cho dịch bệnh này càng dễ lây lan. Họ trốn vào các cánh rừng và những nơi khác và trở thành những người phiêu bạt. Trong khi đó tại các thành phố, người dân không dám ra khỏi nhà. Tất cả các sự kiện xã hội và lễ hội bị hủy bỏ, những nơi giải trí và các câu lạc bộ thể thao bị đóng cửa, các ngôi chợ tiêu điều và nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay. Những du khách buộc phải đến nơi đây, thường là doanh nhân, bị kiểm tra kỹ lưỡng tại sân bay. Nhưng khi đến nơi, họ lại tự giam mình trong các phòng khách sạn. Các bác sĩ đang cố xác định càng nhiều người mang virus càng tốt và điều trị 10% bệnh nhân còn sống mà không để lây nhiễm cho bản thân. 
 
Sierra Leon đã áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung, trong đó có việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể hành khách. Saudi Arabia cũng đình chỉ cấp thị thực cho những đơn xin đến từ các nước Tây Phi. Nhiều hãng hàng không lớn như British Airways và Emirates đã đình chỉ tuyến bay đến các quốc gia có dịch. Hy Lạp khuyến cáo công dân không nên đến các quốc gia có dịch như Nigieria, Sierra Leon, Guinea, đồng thời thông báo sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra tăng cường tại các cửa khẩu. 
 
H.T ( tổng hợp)
 
 

Ý kiến bạn đọc