Multimedia Đọc Báo in

Ông Haider al-Abadi được đề cử làm Thủ tướng Iraq

11:07, 13/08/2014

 Ngày 11-8 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Iraq Fouad Masoum đề cử Phó Chủ tịch Quốc hội Haider al-Abadi làm thủ tướng Iraq và khẳng định động thái này "hoàn toàn phù hợp" với Hiến pháp Iraq.

Ông Haider Al-Abadi. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Ông Haider Al-Abadi. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Thủ tướng được đề cử ông al-Abadi thành lập một chính phủ mới với thành phần rộng rãi các đại diện của cộng đồng dân cư và tôn giáo ở Iraq. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình chính trị căng thẳng tại quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục có những hành động chống phá, đe dọa hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Ông Ban Ki-moon đồng thời kêu gọi tất cả các đảng phái, các tổ chức chính trị và người dân Iraq bình tĩnh, thể hiện trách nhiệm trong việc gìn giữ trật tự, an ninh quốc gia và ủng hộ tiến trình chính trị đang diễn ra tại nước này, trước hết là ủng hộ chính phủ sắp được thành lập của ông Abadi.
 
Theo AFP, cùng ngày, phát biểu trước báo giới trong kỳ nghỉ ở đảo Martha's Vineyard, bang Massachusetts, Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông cũng như Phó Tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho Thủ tướng được đề cử Haidar al-Abadi để bày tỏ sự ủng hộ, giữa lúc các lực lượng Mỹ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo Sunni đang hoành hành ở Iraq. Nhấn mạnh lập trường của mình là “không có giải pháp quân sự nào của Mỹ” cho cuộc khủng hoảng Iraq, Tổng thống Obama gọi quyết định đề cử ông Abadi để thay thế Thủ tướng gây tranh cãi Nuri al-Maliki là “một bước đi đầy hứa hẹn".
 
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Iraq Fouad Masoum đã chính thức yêu cầu Phó Chủ tịch Quốc hội Haider al-Abadi, người mới được liên minh Hồi giáo dòng Shi'ite đề cử làm thủ tướng nước này, thành lập chính phủ. Động thái trên diễn ra sau nhiều tháng Iraq lâm vào tình trạng tranh cãi về chính trị, đã bị Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Iraq Nuri al-Maliki phản đối với lý do đây là một hành động vi phạm Hiến pháp, đồng thời cáo buộc Mỹ "can dự và ủng hộ hành động này”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Fuad Masum cùng ngày chỉ định ông Abadi làm người kế nhiệm Thủ tướng Maliki. Bản thân ông Abadi là một thành viên trong đảng của Thủ tướng al-Maliki, thuộc khối đảng của người Shiite chiếm đa số trong Quốc hội mới được bầu hồi tháng 4 vừa qua. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tuyên bố ông không có ý định từ bỏ nỗ lực tiếp tục đảm nhận cương vị này thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Do vậy, việc bổ nhiệm ông al-Abadi làm Thủ tướng nhiều khả năng sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại thời điểm mà Iraq cần một mặt trận thống nhất chống lại sự nổi dậy ngày càng mạnh mẽ của các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.
 
Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình quốc gia ngay sau khi được Tổng thống Iraq Fouad Masoum yêu cầu thành lập chính phủ, ông al-Abadi đã kêu gọi người dân nước này đoàn kết chống lại chiến dịch "dã man" do các phiến quân thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành trên khắp miền Bắc Iraq, khiến dư luận trong và ngoài nước hết sức lo ngại. Ông Abadi tuyên bố: "Tất cả chúng ta phải hợp tác để chống lại chiến dịch khủng bố được phát động ở Iraq và ngăn chặn tất cả các nhóm khủng bố".
 
H.T (tổng hợp)
 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.