Multimedia Đọc Báo in

Tình hình nhân đạo tại Iraq ngày càng xấu đi do các vụ tấn công của phiến quân

17:34, 11/08/2014
Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu( một cơ quan phụ trách chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu) ngày 10-8 đã lên án các vụ tấn công mới nhất của nhóm phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” và các nhóm phiến quân khác tại Iraq. 
 
Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu cho biết: Liên minh châu Âu quan ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi tại Iraq làm hàng nghìn người phải đi sơ tán do hệ quả của hành vi khủng bố và vi phạm nhân quyền của nhóm “Nhà nước Hồi giáo” đã gây ra tại Iraq thời gian qua. Theo Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu: một trong số những hành vi trên đã cấu thành tội ác chống lại loài người và cần bị đưa ra xét xử. Hiện Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên của khối này cùng các đối tác quốc tế đang cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Iraq.  
Hàng viện trợ của Mỹ cho Iraq chất đầy trong khoang máy bay vận tải C-17. (Nguồn: EPA)
Hàng viện trợ của Mỹ cho Iraq chất đầy trong khoang máy bay vận tải C-17. (Nguồn: EPA)
Cùng ngày (10-8), theo quan chức Chính phủ Iraq, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã sát hại ít nhất 500 người thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi ở khu vực núi Sinjar, miền Bắc Iraq. 
 
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 9-8 đã kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo Iraq thành lập một chính phủ “có cơ sở rộng rãi” để có thể đoàn kết các sắc tộc chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS – tức nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông trước đây). Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo và an ninh ở Iraq. Ông cho rằng một chính phủ “có cơ sở rộng rãi” phải là một chính phủ chấp nhận được đối với tất cả các thành phần xã hội của Iraq và có thể giúp người dân chống lại những mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo, đem lại an ninh và ổn định cho đất nước này. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị ở Iraq tuân thủ khung thời gian Hiến pháp quy định để đề cử một Thủ tướng mới. Theo hiến pháp Iraq, tân Tổng thống Fuad Masoum được Quốc hội bầu hôm 24-6 vừa qua phải đề cử một Thủ tướng vào ngày 8-8. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn trên, nhưng các liên minh chính trị chủ chốt vẫn chưa thể quyết định được ai sẽ là Thủ tướng mới của Iraq.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9-8 cũng kêu gọi các đảng phái ở Iraq nhanh chóng thống nhất vị trí Thủ tướng. Mỹ cũng vừa quyết định không kích để hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq truy quét phiến quân với lời cam kết sẽ đảm bảo độ chính xác để các vụ tấn công này không gây thương vong cho dân thường. Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện chưa đưa ra thời hạn chấm dứt chiến dịch không kích này, nhưng cho rằng vấn đề của Iraq không thể được giải quyết chỉ trong vài tuần. Bất chấp giao tranh ở Iraq, Mỹ vẫn duy trì Đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Ibril, đồng nghĩa với việc các binh sỹ, cố vấn và nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn hiện diện ở Iraq.
 Người dân Iraq nhận hàng cứu trợ. (Nguồn: telegraph)
Người dân Iraq nhận hàng cứu trợ. (Nguồn: telegraph)

Tình hình an ninh tại Iraq tiếp tục xấu đi sau các cuộc đụng độ đẫm máu của quân đội Chính phủ và phiến quân hồi tháng 6 đến nay. Trong những ngày qua, đụng độ ở miền Bắc Iraq đã khiến 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Theo Phái bộ hỗ trợ của Liên hiệp quốc ở Iraq (UNAMI), kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 6 đến nay, khoảng 1,4 triệu người dân Iraq đã mất nhà cửa, trong đó có 230.000 người phải tị nạn.

Trong một diễn biến có liên quan, Mỹ, Anh và Pháp ngày 10-8 đã bắt đầu phân phát nước uống, thực phẩm và các trang thiết bị thiết yếu khác tới người dân Iraq đang bị mắc kẹt tại các khu vực vùng núi do Nhà nước Iraq kiểm soát. Hai máy bay vận tải của Anh đã được triển khai tới khu vực Sinjar( nơi đang là mục tiêu tấn công của các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo) để thả hàng viện trợ, bao gồm lương thực và nước sạch cho hàng nghìn dân thường đang mắc kẹt ở đây. Quân đội Mỹ cũng đã tiến hành đợt thả hàng viện trợ nhân đạo lần thứ ba cho hàng nghìn người dân Iraq đang bị đe dọa bởi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tính đến thời điểm này, máy bay của quân đội Mỹ đã thả khoảng 52.000 suất ăn và hơn 40.000 lít nước uống cho người dân Iraq. Bộ Chỉ huy trung tâm cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế đánh giá nhu yếu phẩm cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Iraq. Hôm 9-8, Tổng thống Pháp- Francois Hollande tuyên bố Paris sẽ chuyển hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên cho hàng chục nghìn người dân Iraq, chủ yếu là các tín đồ Cơ đốc giáo đang bị mắc kẹt trong vòng vây của các phiến quân Hồi giáo
 
H.T (tổng hợp)
 
 

Ý kiến bạn đọc