Cướp biển châu Phi - đường đi của những đồng tiền bí ẩn
Nói đến cướp biển, dù ở nơi nào cũng làm cho người ta “ớn lạnh” bởi mức độ tàn nhẫn và độc ác. Tuy nhiên có lẽ ít người biết doanh thu từ hoạt động này như thế nào, nhất là mánh khóe rửa tiền, đúng hơn là vòng quay của những đồng tiền bẩn cướp được. Bài viết dưới đây đề cập đến một số nét bí mật về đường đi của những đồng tiền bẩn từ cướp biển Somali tại vùng Sừng châu Phi.
Doanh thu từ hải tặc không hề nhỏ
Ai cũng biết, cướp biển là hoạt động phạm pháp đe dọa trực tiếp đến an ninh và sự ổn định chung của nhân loại. Trong những năm gần đây hoạt động này không giảm, thậm chí còn tinh vi, và táo tợn hơn. Dư luận cho rằng ở đâu đó nó còn được nuôi dưỡng bởi sự bất ổn chính trị, thiếu dân chủ và bất công, là động lực trực tiếp tiếp tay cho các tổ chức khủng bố, nhất là al - Qaeda trỗi dậy. Đáng tiếc, số tiền nhơ bẩn "thiên trả địa" này cuối cùng lại được đốt vào ma túy, mại dâm và được rửa qua các hoạt động đầu tư và giúp đỡ khủng bố.
Theo báo cáo điều tra mang tên Trails Pirates do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) thuộc Liên hiệp quốc, Interpol và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện, công bố cuối năm 2013, trong giai đoạn từ 2005 đến 2012, hải tặc Somalia và vùng Sừng châu Phi đã kiếm được từ 339 - 413 triệu USD thông qua tiền chuộc. Trails Pirates dựa vào số liệu từ các cuộc phỏng vấn trực tiếp các cựu hải tặc, giới các quan chức chính phủ, ngân hàng và những người có liên quan trong cuộc chiến chống cướp biển tại vùng biển Ấn Độ Dương. Nghiên cứu nói trên còn tính đến các hoạt động bất hợp pháp khác như buôn lậu vũ khí, buôn bán người và ma túy.
Theo Trails Pirates, trong thời gian 8 năm nói trên, nạn hải tặc diễn ra vô cùng táo tợn và liều lĩnh, nhất là ở Djibouti, Ethiopia, Kenya, Seychelles và Somali. Tổng cộng có tới 179 chiếc tàu bị bắt cóc, 85% trong số này được phóng thích ngay sau khi trả tiền chuộc. Số tiền thu về do những kẻ trực tiếp nắm tài chính, gọi là các ông trùm kiêm chỉ huy ăn chia. Theo đó, các ông trùm được hưởng tỷ lệ 30-50%, số tiền còn lại thuộc về “những chiến binh chân đất” (foot soldiers) hay những kẻ cướp đẳng cấp thấp, trực tiếp đảm nhận công việc cướp tàu. “Những chiến binh chân đất” này thường phải làm những công việc nguy hiểm, nên tính mạng của họ có thể một mất một còn, thậm chí phải làm những việc đê hèn, thất đức và bẩn thỉu nhất.
Sau mỗi vụ cướp thành công, các “chiến binh chân đất” được trả từ 30.000 - 75.000 USD/người. Riêng các chiến binh làm việc ở những nơi "đầu sóng ngọn gió" hoặc sử dụng vũ khí riêng để thực thi công việc cướp được thưởng thêm 10.000 USD. Ngoài tiền thưởng, nếu “thất sủng” những người này cũng không tránh khỏi trừng phạt. Ví dụ, những người từ chối làm theo đơn đặt hàng, ngược đãi “đồng nghiệp” hoặc sao nhãng bổn phận bị phạt tiền và phải chịu nhiều hình thức phạt khác. Và dĩ nhiên, mỗi hoạt động của các “chiến binh chân đất” đều được theo dõi rất sát sao. Khi một con tàu bị bắt cóc, cướp biển lập tức gọi về tổng hành dinh. Ông trùm tổ chức ăn mừng và khi tàu cập bến, một nhóm được cắt cử canh giữ cẩn mật. Tất cả mọi việc xảy ra đều được ghi lại rõ ràng, từ nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống hay mọi chi phí có liên quan đều được tính vào cho khổ chủ có tàu bị bắt cóc.
Đường đi của những đồng tiền bẩn
Tuy chưa có báo cáo tỉ mỉ nhưng theo Trails Pirates thì đường đi của những đồng tiền bẩn nói trên cũng không tránh khỏi quy luật của những đồng tiền bất chính khác, như đốt vào ma túy, mại dâm, buôn lậu, hối lộ, rửa qua các hoạt động đầu tư và ủng hộ tổ chức khủng bố Al - Shabaab trực thuộc al - Qaeda, tái đầu tư cho các hoạt động hải tặc, đầu tư bất động sản, chứng khoán và buôn người. Thậm chí, những đồng tiền bẩn này còn được dùng để nộp thuế cũng như khắc phục những vấn đề về môi trường do chính các hành động cướp biển gây ra, nhất là nạn tràn dầu. Theo Reuters, tại Haradheere, Somali, cộng đồng hải tặc còn cùng nhau hùn vốn xây dựng hẳn một sàn giao dịch để quản lý, quay vòng những đồng tiền cướp được, thu hút cả vợ con, người nhà của cộng đồng hải tặc tham gia.
Một trong những dịch vụ được cướp biển chi nhiều nhất là đầu tư cho ma túy, chính xác hơn là đầu tư buôn bán loại lá có tên Khat. Đây là lá của một loại cây trồng gây nghiện phổ biến tại khu vực này. Cộng đồng hải tặc đã không tiếc tiền mua bán, vận chuyển lá Khat đến Kenya, bởi việc sản xuất các loại dược phẩm từ lá Khat tại Keneya bán rất chạy và không bị chính phủ kiểm soát.
Theo ông Stuart Yikona, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới thì kinh tế thế giới thiệt hại khoảng 18 tỷ USD mỗi năm từ các chi phí thương mại phát sinh và hạn chế hoạt động của ngành hàng hải tại những vùng cướp biển hoành hành mạnh nhất; đặc biệt là ngành du lịch, vận chuyển biển lẫn các hoạt động ngư nghiệp, đánh bắt cá. Ví dụ, xung quanh vùng Sừng châu Phi, các nước Đông Phi từ năm 2006 lượng khách du lịch và sản lượng đánh bắt cá sụt giảm đột ngột. Kiều hối quốc tế cũng bị giảm theo bởi một số ngân hàng đã chấm dứt dịch vụ chuyển tiền từ hải ngoại về nước tại Somali vì lo ngại số tiền trên sẽ tài trợ cho các hoạt động khủng bố và cướp biển.
Đánh giá về mức độ thiệt hại do nạn hải tặc gây ra, báo cáo Trails Pirates còn nhấn mạnh, nạn cướp biển không chỉ gây thiệt hại trên biển mà còn ảnh hưởng lớn đến các hoạt động an ninh kinh tế trên đất liền. Tiền chuộc, đúng hơn là tiền cướp đã được chuyển sang các hoạt động ngầm, trong đó có cả nạn buôn bán vũ khí lậu, tiếp tay cho khủng bố, buôn người và tài trợ cho các hoạt động vi phạm bản quyền. Đặc biệt, là nạn rửa tiền thông qua việc đầu tư sản xuất các sản phẩm gây nghiện từ cây Khat để đưa vào Kenya.
Khi được hỏi về số tiền được chia và quay vòng sau mỗi phi vụ, Mohammed, một cựu hải tặc có nhiều năm thâm niên hoạt động trên vùng Sừng châu Phi tiết lộ: Giống như các nghề khác, phần lớn các “chiến binh chân đất” sau khi kiếm được ít lưng vốn đã tìm cách làm cho đồng tiền sinh sôi. Ngoài số tiền để giải trí, phần lớn dùng để đầu tư. Mọi người công khai đóng góp, kể cả tiền và vũ khí, vật dụng hữu ích cho các hoạt động "chuyên môn" trên biển... Ngoài ra, số tiền không nhỏ được các ông trùm dùng để hối hộ các quan chức dưới dạng thuế, phí môi trường, phí hải quan, thậm chí cả làm từ thiện... Theo hãng tin Anh Reuters, các nhóm cướp biển Somali có mối quan hệ mật thiết với tổ chức phiến quân Al-Shabaab, thuộc al Qaeda, cả hai hỗ trợ nhau làm ăn khi “trúng quả”, hải tặc phải đảm nhận khâu “làm luật” với giới chức địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương đều có doanh thu theo kiểu phần trăm dựa trên số tiền chuộc từ các vụ tàu cướp được. Các khoản tiền này được thu trên danh nghĩa chi cho các dự án hạ tầng nhưng thực chất là rơi vào túi các quan chức biến chất.
Khắc Nam
(Theo CNN- 4-2014)
Ý kiến bạn đọc