Ông Ashraf Ghani trở thành Tổng thống Afghanistan
10:03, 22/09/2014
Theo AFP, các quan chức Afghanistan cho biết ngày 21-9, ông Ashraf Ghani được tuyên bố là Tổng thống tiếp theo của nước này sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 14-6.
Động thái chấm dứt nhiều tháng tranh cãi liên quan đến các cáo buộc về tình trạng gian lận quy mô lớn đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng chính trị. Phát biểu với các phóng viên, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC), ông Ahmad Yousaf Nuristani, nói: "IEC tuyên bố ông Ashraf Ghani là tổng thống".
Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan rơi vào bế tắc sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử vòng hai ngày 14-6 cho thấy ứng cử viên Ghani bất ngờ vượt xa ông Abdullah. Ông Abdullah đã lên tiếng bác bỏ kết quả bầu cử vì cho rằng có gian lận. Vị cựu ngoại trưởng Afghanistan này còn đe dọa sẽ tự đứng ra thành lập chính phủ mới.
Nhằm mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, tháng 7 vừa qua, hai ứng cử viên Abdullah và Ghani đã đạt được thỏa thuận do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm trung gian hòa giải, theo đó toàn bộ 8,1 triệu phiếu bầu của vòng hai sẽ được thẩm tra lại dưới sự giám sát của Liên hiệp quốc. Ngày 20-9, hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi ở Afghanistan là Abdullah Abdullah và Ashraf Ghani đã nhất trí ký thoả thuận về việc thành lập "chính phủ đoàn kết dân tộc", chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài gần 4 tháng qua. Lễ ký thoả thuận đã diễn ra ngày 21-9 tại Dinh Tổng thống dưới sự chứng kiến của Tổng thống sắp mãn nhiệm Hamid Karzai và các quan chức cấp cao khác của Afghanistan.
Ứng cử viên Abdullah Abdullah (trái) và ứng cử viên Ashraf Ghani Ahmadzai (phải) tại lễ ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo thỏa thuận, một chức vụ mới là “quan chức điều hành cấp cao” sẽ được thiết lập dưới sự lãnh đạo của tổng thống. Mặc dù lúc đầu hai ông Abdullah và Ghani bất đồng gay gắt về vấn đề chia sẻ quyền lực giữa tổng thống và vị trí mới được thiết lập, nhưng cuối cùng hai bên cũng nhất trí rằng tổng thống sẽ chủ trì nội các, trong khi "quan chức điều hành cấp cao" sẽ đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng. Theo thỏa thuận này, ông Ashraf Ghani, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử theo kết quả sơ bộ, sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan, trong khi ông Abdullah Abdullah sẽ giữ chức vụ "người điều hành đứng đầu" (CEO), tương đương với thủ tướng. Theo Hiến pháp Afghanistan, Tổng thống nắm hầu hết quyền hành trong khi CEO sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng trong nhiệm kỳ hai năm, đây được coi là một thay đổi lớn về cách thức lãnh đạo mà Afghanistan áp dụng từ năm 2001
Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh thỏa thuận được ký giữa hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan nhằm thiết lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Cơ quan đối ngoại của châu Âu nói: "Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận chính trị đạt được giữa hai ông Abdullah Abdullah và Ashraf Ghani Ahmadzai để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới của Afghanistan nhằm nhanh chóng thực hiện những cải cách cần thiết trên lộ trình hướng tới sự thịnh vượng và hòa bình". EU cũng kêu gọi toàn bộ người dân Afghanistan "đoàn kết trong việc đối phó với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và an ninh của Afghanistan". Mỹ cũng đã hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực giúp chấm dứt nhiều tháng căng thẳng liên quan tới kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi tại Afghanistan và coi đây là "cơ hội quan trọng cho sự đoàn kết''. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói: ''Việc ký kết thỏa thuận chính trị này giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị của Afghanistan và khôi phục niềm tin về con đường phía trước. Chúng tôi ủng hộ thỏa thuận này và sẵn sàng làm việc với chính quyền tiếp theo nhằm đảm bảo thành công. Thỏa thuận này đánh dấu cơ hội quan trọng cho sự đoàn kết và tăng cường sự ổn định tại Afghanistan... Chúng tôi tiếp tục kêu gọi toàn thể nhân dân Afghanistan, trong đó có các lãnh đạo chính trị, tôn giáo và dân sự - ủng hộ thỏa thuận này''.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về nguy cơ một liên minh cầm quyền ở Afghanistan được thành lập từ những đảng phái đối lập sẽ khó mà hoạt động hiệu quả. Bất đồng về các vị trí then chốt khác trong chính phủ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trên chính trường. Trong bối cảnh an ninh và triển vọng kinh tế của quốc gia Nam Á này đang ngày một xấu đi, nhiệm vụ của chính phủ mới là ổn định nền kinh tế trong bối cảnh viện trợ quốc tế giảm sút và giải quyết tình trạng bất mãn đang lan rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dư luận hy vọng các nỗ lực nhằm đàm phán hòa bình với Taliban đã không đạt được kết quả dưới thời Tổng thống Hamid Karzai, sẽ được khôi phục sau khi chính phủ mới đi vào hoạt động.
Một trong những thử thách lớn nhất của chính phủ mới là việc ký Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) với Mỹ liên quan đến việc liên quân do NATO đứng đầu có tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014 mà Tổng thống Karzai đã cố ý để lại cho người kế nhiệm. Tư lệnh NATO tại Afghanistan, Tướng Mỹ Phillip Breedlove, bày tỏ hy vọng một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ giúp BSA sớm được hoàn tất. Hiện tại, NATO có tổng cộng 41.000 quân đóng tại Afghanistan, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 150.000 quân của năm 2010. Theo kế hoạch, nhiệm vụ của liên quân sẽ kết thúc vào cuối tháng 12-2014. Nếu như BSA được ký kết, NATO sẽ tiếp tục duy trì khoảng 12.000 quân đến năm 2015 với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh Afghanistan.
H.T (
tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc